Không gian đô thị bị "xé toang" bởi những chiếc loa kéo tập thể dục nơi công cộng

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, công viên được nhiều người chọn để chạy bộ, trò chuyện hay đơn giản là ngồi tận hưởng một buổi sớm mai yên bình. Thế nhưng, không gian này hoàn toàn bị phá hởng bởi tiếng nhạc mở to hết cỡ từ những chiếc loa kéo loa lớn, nhỏ.

5h30 sáng tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10, TP. HCM), hai chiếc loa công suất lớn phát cùng một lúc để phục vụ cho sàn nhảy gần 30 người đang bước vui cùng tiếng nhạc. Người đọc khẩu lệnh, hướng dẫn động tác cũng với âm thanh to không kém.

Tiếng xập xình từ dàn loa, tiếng người hướng dẫn khiến âm thanh trở nên chói tai hơn. Trong phạm vi cách sàn nhảy 20m, khó lòng nghe được gì bên ngoài vì âm thanh từ "sàn nhảy" này đã át hoàn toàn.

Hình ảnh tương tự cũng diễn ra tại công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP. HCM) vào mỗi sáng. Tuy nhiên, các nhóm nhảy ít người hơn, họ cũng chỉ dùng loa kẹo kéo để phát nhạc. Dù vậy, nhiều người đến công viên phải cau mày bực mình.

loa-lon-2-1720269583.jpg
Không khó bắt gặp hình ảnh nhiều người tu tập mở loa lớn tập thể dục

Ông Trung Trường (58 tuổi, quận Tân Bình) chia sẻ, ông cũng thích nghe nhạc, nhưng phải nghe ở đâu và với âm lượng hợp lý mới hay. Còn những người ở đây cứ mặc kệ mọi người mà mở hết âm lượng khiến nhiều lúc ông không muốn ra công viên ngồi hóng gió nữa.

Ông Trường bảo, mong muốn có những quy định cụ thể về sử dụng loa trong công viên. Không chỉ giúp những người đến đi dạo, người dân xung quanh công viên cũng giảm bớt sự khó chịu vì ô nhiễm tiếng ồn.

Còn Nguyễn Duy Phúc (26 tuổi, quận 10) cũng bày tỏ, sáng, chiều, tối đều gặp cảnh âm thanh từ mấy cái loa ầm ầm. Bây giờ không dễ kiếm được một công viên yên tĩnh để cùng bạn bè trò chuyện.

Không chỉ công viên, nhiều địa điểm công cộng có chút rộng rãi cũng được “trưng dụng” để tập thể dục. Như thời gian trước, trên mạng xã hội lan truyền clip 1 nhóm phụ nữ nhảy aerobic (thể dục nhịp điệu) với tiếng nhạc lớn ngay trước UBND quận Hà Đông. Clip này bị công đồng mạng đánh giá, việc ăn mặc trang phục bó sát khoe cơ thể, mở nhạc to nhảy nhót nơi công cộng là không phù hợp, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

loa-lon-1-1720269650.jpg
Hình ảnh nhóm nhảy bật loa công suất lớn nhảy nơi công cộng

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, pháp luật hiện hành không cấm, thậm chí khuyến khích người dân tập luyện thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên, hoạt động này phải tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không trái với pháp luật, đạo đức xã hội, không gây cản trở giao thông, gây rối trật tự công cộng.

Không ít người đã tham gia hoạt động thể dục thể thao lành mạnh, mang lại sức khỏe và các giá trị tích cực cho cộng đồng. Bên cạnh đó cũng vẫn còn nhiều trường hợp tập thể dục lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc sử dụng những loại loa công suất lớn gây ra tiếng ồn nơi công cộng, không gian sinh hoạt chung đã tạo ra sự phản cảm, ảnh hưởng đến nhiều người. Những hành vi đó không chỉ vi phạm quy tắc sinh hoạt cộng đồng, không phù hợp với chuẩn mực xã hội mà còn có thể vi phạm pháp luật.

Đơn vị đo độ ồn âm thanh là dBA, một nơi yên tĩnh thông thường có độ ồn dưới 30dBA. Việc phát ra những âm thanh, tiếng ồn được pháp luật quy định giới hạn như sau: Tại khu vực đặc biệt (trong hàng rào của các cơ sở y tế, nhà trẻ, trường học, thư viện, nhà thờ, đình, chùa…) là 55dBA từ 6h đến 21h và 45dBA từ 21h hôm trước đến 6h hôm sau. Tại khu vực thông thường (cơ quan hành chính, khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ) là 70dBA từ 6h đến 21h và 55dBA từ 21h hôm trước đến 6h hôm sau.

Trường hợp hành vi của những người tụ tập mở loa công suất lớn để tập thể dục… được xác định là gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng.