5 đơn vị liên danh tư vấn lọt vào vòng 2
Mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM đã ra thông báo kết quả vòng sơ tuyển (vòng 1) đối với cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch kiến trúc dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (Q. Bình Thạnh).
Theo đó, có 5 đơn vị được chấm vào vòng thi tuyển chính thức (vòng 2). Trước đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM nhận được 19 hồ sơ hợp lệ của các đơn vị tư vấn, liên danh tư vấn đăng ký tham gia. Kết quả có 10 đơn vị tư vấn dự thi được hội đồng sơ tuyển xét chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp; được hỗ trợ kinh phí 25 triệu đồng/mỗi đơn vị theo quy chế thi tuyển và được chi trả sau khi cuộc thi kết thúc.
Dựa trên tiêu chí đánh giá hồ sơ năng lực, quy chế thi tuyển…, Hội đồng sơ tuyển đã chấm điểm, đánh giá và xét chọn được 5 đơn vị liên danh dự thi vòng 2. Tất cả 5 liên danh này đều có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM cho biết, để triển khai phương án dự thi, các đơn vị lọt vào vòng thi tuyển chính thức sẽ được cung cấp thông tin và các tài liệu chi tiết như: bản đồ, bản vẽ và các tài liệu liên quan đến quy chế thi tuyển, nhiệm vụ thiết kế… Thời gian thực hiện đề tài là 8 tuần.
Giải nhất cuộc thi sẽ nhận được mức thưởng 5 tỷ đồng, 1 giải nhì có mức thưởng 3,75 tỷ đồng, 1 giải khuyến khích 1,25 tỷ đồng.
Trước đó vào hồi đầu tháng 7, UBND TP. HCM ban hành quyết định phê duyệt quy chế thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch kiến trúc Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Cuộc thi có phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ khu vực Bình Quới -Thanh Đa (đoạn sông Sài Gòn, Khu đô thị Trường Thọ thuộc TP. Thủ Đức và Q. Bình Thạnh). Khu vực này phía Bắc giáp đường Phạm Văn Đồng, phía Nam giáp đường Võ Nguyên Giáp, phía Tây giáp Quốc lộ 13 và phía Đông giáp Xa lộ Hà Nội.
Được biết, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có diện tích lớn, tổng vốn đầu tư cao, công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng phức tạp nên kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được. Việc dự án chậm trễ đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống cũng như quyền lợi của hàng ngàn hộ dân tại đây.
UBND TP. HCM cho rằng, việc tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế là rất cần thiết. Điều này nhằm tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất, gắn kết về không gian hai bên sông Sài Gòn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực này phù hợp với định hướng của TP. HCM.
Người dân khốn khổ vì dự án "treo" hơn 30 năm
Theo tìm hiểu, từ năm 1992, dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch trên diện tích gần 427ha tại phường 28 (Q. Bình Thạnh).
Tháng 6/2004, để chuẩn bị xây dựng dự án, UBND TP. HCM đã ra quyết định thu hồi đất và tạm giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn.
Tháng 12/2004, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đã trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.
Tháng 6/2005, UBND TP. HCM đã nhận được báo cáo nhiệm vụ quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Nội dung của nhiệm vụ quy hoạch là biến Bình Quới - Thanh Đa thành một đô thị sinh thái, hiện đại với chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp thương mại, công cộng hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Tới đầu năm 2006, TP. HCM xác định Bình Quới - Thanh Đa sẽ là Khu đô thị mới với quy mô dân số khoảng 80.000 người. Người dân sống trong vùng quy hoạch của dự án sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang Q. 9.
Năm 2010, do “treo” dự án quá lâu mà không triển khai đầu tư, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đã bị UBND TP. HCM thu hồi giấy phép đầu tư.
Năm 2015, UBND TP. HCM đã chỉ định Liên doanh Tập đoàn Bitexco - Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm.
Với vị trí đắc địa, sở hữu nhiều tiềm năng lớn, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được kỳ vọng sẽ là trung tâm kinh tế, du lịch của TP. HCM. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc, đối tác liên doanh của Bitexco là Emaar Properties PJSC rút lui khiến khu đô thị liên tục bị “treo”. Điều này đã khiến cho khu vực quy hoạch giống như một vùng nông thôn nghèo, hoang hóa giữa lòng thành phố tấp nập và phát triển. Tại mảnh đất chỉ cách trung tâm TP. HCM vài cây số, người dân vẫn còn trồng lúa, nuôi lợn, nuôi cá…