Kiểm soát hoạt động giết mổ, ngăn thịt lợn bẩn tuồn vào bàn ăn dịp Tết

Trước tình trạng một số cơ sở đã gom heo chết do bệnh về giết mổ, rồi bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm làm giò, chả, xúc xích… tuồn ra thị trường dịp Tết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo “nóng”, yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo "nóng" từ Bộ

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã gửi văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Tỵ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã liên tục đưa tin về việc phát hiện nhiều cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Các lò mổ heo trái phép bị phát hiện, cùng với hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

gio-cha-1-1737420112.jpg
 

Đồng thời, một số cơ sở đã gom heo chết do bệnh về giết mổ, rồi bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích. Gia cầm ra vào chợ đầu mối cũng không được kiểm dịch theo quy định. Lực lượng chức năng còn phát hiện và ngừng nhiều lô hàng sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tăng cao, nhưng thực tế cho thấy có sự buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan thú y, những đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát và kiểm soát hoạt động giết mổ. Điều này đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, lây lan dịch bệnh động vật và gây ô nhiễm môi trường.

Thực tế ghi nhận, gần đây, tần suất số vụ thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện, triệt phát gia tăng. Điển hình, Cục QLTT TP. Hà Nội vừa phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một kho hàng tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh. Cơ quan chức năng phát hiện 10 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.

Trước đó, vào cuối năm 2024, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã kiểm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Nguyễn Hữu Ân (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn heo chết la liệt trên sàn, chờ đưa vào lò mổ. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, có 19 mẫu dịch tả châu Phi, 11 mẫu viêm hô hấp cấp và rối loạn sinh sản.

Chủ cơ sở giết mổ khai, trước khi bị kiểm tra, cơ sở này đã sử dụng 4 xe đông lạnh chở khoảng 200 con heo đến Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP. HCM) tiêu thụ. Khi các tổ công tác đến kiểm tra tại chợ đầu mối, số lượng heo này đã bị tiêu thụ hết.

Tại cơ sở giết mổ Nguyễn Hữu Ân, hàng ngày có hoạt động giết mổ với số lượng lớn. Nguồn heo bệnh mà cơ sở này giết mổ chủ yếu được thu mua từ các hộ chăn nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Những con heo này thường là heo bệnh hoặc heo thải loại, cần tiêu hủy. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, các chủ chăn nuôi đã bán với giá rẻ cho các lái thu mua, để đưa về các lò mổ, “biến hóa” thành heo thịt rồi đưa đến các chợ đầu mối tiêu thụ.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các đợt kiểm tra đột xuất về thú y và an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ động vật.

Cần xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở giết mổ chưa được cấp phép, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, hoặc giết mổ động vật chết do dịch bệnh mà không có sự giám sát của nhân viên thú y.

Triển khai chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý như thú y, y tế, công an, quản lý thị trường để kiểm soát tốt hoạt động giết mổ động vật. Các cơ quan cần thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến vận chuyển, giết mổ động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.

gio-cha-2-1737420365.jpg
Một vụ giết mổ heo chết, heo bệnh bị phát hiện

 

Cẩn trọng với giò, chả "bẩn" 

 

Các chuyên gia cho rằng, đối với giò chả nói riêng và thực phẩm nói chung, nguyên liệu là yếu tố quan trọng quyết định hương vị và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, giò chả được chế biến từ thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc thường tiềm ẩn nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, một trong những cách đơn giản để nhận diện giò chả ngon là dựa vào màu sắc của sản phẩm. Giò chả làm từ thịt tươi thường có màu sắc tự nhiên, sáng mịn và đều. Thịt heo tươi ngon sẽ tạo ra giò có màu hồng tươi, đôi khi pha chút trắng ngà. Nếu giò có màu đỏ sậm hoặc nâu, rất có thể thịt đã bị ướp phẩm màu hoặc bảo quản quá lâu, điều này không tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, giò chả làm từ thịt heo tươi sẽ không có các vệt mỡ quá lớn hay vệt màu đỏ không tự nhiên. Một miếng giò ngon sẽ có sự phân bố đều giữa thịt và mỡ, tạo kết cấu mịn màng, không bị vón cục hay tách lớp. Giò chả làm từ nguyên liệu chuẩn sẽ có độ đàn hồi và dẻo nhất định.

Khi ấn tay vào miếng giò, giò sẽ hơi nảy lại và không bị quá cứng hoặc quá mềm. Độ dẻo này giúp giò giữ được hình dáng mà không bị nát hoặc vỡ khi cắt, một đặc điểm quan trọng khi đánh giá giò chả. Nếu giò quá nhão hoặc quá cứng, có thể do tỷ lệ giữa thịt nạc và mỡ không cân đối, hoặc có quá nhiều chất phụ gia.

Giò lụa ngon sẽ có mùi vị đặc trưng, sau khi nuốt, vị sẽ đọng lại ở cổ họng với cảm giác thơm ngọt, mềm, không bị bã và không có cảm giác khô hay cứng. Nếu giò có mùi thơm nồng, thơm quá mức, có thể đó là giò lụa đã được tẩm ướp chất phụ gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để giảm thiểu rủi ro mua phải thực phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại các cơ sở uy tín và có địa chỉ rõ ràng.