Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Điểu hình là vụ ngộ độc liên quan đến tiệm bánh mỳ tại Đồng Nai khiến hơn 500 người phải nhập viện.
Đáng lo ngại nhất là có những vụ ngộ độc liên quan đến học sinh, sinh viên như 37 học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường và THCS Trần Hưng Đạo (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bị nôn ói sau khi ăn cơm gà ở cổng trường. Hay 28 học sinh ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) cũng bị ngộ độc do ăn cơm cuộn bán rong trước cổng trường… Gần đây nhất, xảy ra vụ 19 sinh viên bị ngộ độc thực phẩm tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP. HCM.
Trước tình trạng trên, ngày 11/5, Bộ Y tế đã có công văn số 2487 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng như các đơn vị liên quan về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến các hoạt động an toàn thực phẩm. Đồng thời nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin tới người dân về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp... Lưu ý nên kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các báo, đài truyền hình, phát thanh địa phương.
Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế các tỉnh, thành phố cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung vào bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, các cơ sở chế biến suất ăn sẵn và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Các đơn vị chú ý giám sát, hướng dẫn phù hợp với dịch vụ nấu ăn lưu động, tiệc cưới, các bữa ăn liên hoan, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý. Cần kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động với những cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Song song, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời.
Các đơn vị tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong khám, cấp cứu và điều trị, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bị ngộ độc.