Kỳ điều hành ngày 4/4: Giá xăng dự báo tiếp tục tăng, tiệm cận 25.000 đồng/lít

Trong lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngày 4/4, nhiều chuyên gia dự đoán giá xăng trong nước có thể tăng giá từ 190 - 300 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng 310 đồng/lít. Như vậy, giá xăng RON 95 có khả năng chạm mốc 25.000 đồng/lít.

Ngày 4/4 là kỳ điều hàng giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023. Nhiều chuyên gia và thương nhân đầu mối dự đoán, giá xăng dầu trong lần điều chỉnh này sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, nếu liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi Quỹ bình ổn giá thì xăng trong nước có thể tăng giá từ 190 - 300 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng 310 đồng/lít.

Nếu dự báo trên chính xác, giá xăng trong nước sẽ có phiên tăng thứ ba liên tiếp.  Giá xăng RON 95 có khả năng chạm mốc 25.000 đồng/lít. Còn trường hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương chi Quỹ bình ổn giá thì giá xăng có thể tăng ít hơn, thậm chí giữ nguyên.

gia-xang-ngay-4-4-1-1712133308.png
Giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 28/3/2024

Trước đó, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 28/3, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu. Giá xăng E5 RON 92 tăng 410 đồng/lít lên mức 23.620 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 530 đồng/lít lên 24.810 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu diesel được điều chỉnh giảm 320 đồng/lít còn 20.690 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 390 đồng/lít, về mức 20.870 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi Quỹ bình ổn với các loại xăng dầu. Liên bộ chỉ trích lập quỹ với dầu mazut ở mức 300 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 8 lần tăng, 5 lần giảm.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng là do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong tuần trước, giá dầu Brent trên thị trường thế giới tăng mạnh tới 2,4%, còn giá dầu WTI tăng 3,2%. Còn từ đầu tuần này đến nay, giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng tiếp tục tăng khi đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua. Giá dầu Brent đang tiến sát mức 89 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI đã vượt mốc 85 USD/thùng.

Vào 6h hôm nay (ngày 3/4), giá dầu Brent giao dịch ở mức 88,71 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 85,13 USD/thùng. So với phiên liền trước, dầu Brent tăng 1,29 USD/thùng, dầu WTI tăng 1,42 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu trên thị trường thế giới tăng là do những dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc và Mỹ có thể cải thiện. Tháng 3 vừa qua là lần đầu tiên hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng sau 6 tháng. Còn tại Mỹ, hoạt động này cũng tăng trưởng lần đầu tiên sau 1 năm rưỡi. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khiến nhu cầu dầu tăng trong năm nay.

gia-xang-ngay-4-4-1712133308.jpg
Giá xăng dầu trong nước tăng do ảnh hưởng từ thị trường thế giới

Mới đây, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương nhận xét cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường. Do đó, Bộ đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu và doanh nghiệp được tự quyết. Nhà nước công bố giá thế giới bình quân và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Kỳ công bố giá thế giới của Nhà nước thay vì 15 ngày như dự thảo trước thì sẽ còn 7 ngày.

Từ dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ xăng dầu tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.

Bộ Công thương cũng đưa ra 2 phương án cho chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức: Phương án 1, doanh nghiệp được cộng 1.800 - 2.000 đồng chi phí, lợi nhuận định mức vào giá bán lẻ. Bộ Công Thương sẽ đưa ra chi phí này dựa trên thực tế chi phí đầu vào, các khoản hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ của doanh nghiệp. Cách tính này tương tự với phương cách đang áp dụng.

Phương án 2, doanh nghiệp sẽ tính theo tỷ lệ phần trăm, phụ thuộc biến động giá xăng dầu thế giới. Cụ thể, mức tối đa có thể lên 20% khi giá thế giới ở 30 USD một thùng và 4% khi giá thế giới lên 120 USD/thùng.

Bộ Công Thương cho rằng, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu, giúp họ tự chủ khi định giá bán. Đây cũng là cải cách giúp thương nhân, cơ quan quản lý không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí.

Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh phù hợp thực tế.