Lãi suất cho vay không phải là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp

Trong khi các doanh nghiệp than phiền lãi suất vay cao đang gây áp lực lớn đến hoạt động kinh doanh bền vững thì giới chuyên gia lại cho rằng, đây không phải là vấn đề cốt lõi của những khó khăn hiện hữu.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý II/2024 với kết quả cho thấy, lãi suất cho vay cao là một trong những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. 

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực này kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay; 28,2% doanh nghiệp kiến nghị đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, điều kiện vay vốn.

Vấn đề cốt lõi là thiếu vốn

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo về tình hình doanh nghiệp TP.HCM quý II cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gặp khó tăng vọt lên mức 30,4%. Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho tăng lên mức 34% và số dư nợ tăng mức 42% là dấu hiệu chỉ báo thị trường đang dần xấu đi, doanh nghiệp khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước, nợ đọng dây dưa.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn này, HUBA cho rằng, vốn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần đảm bảo nhưng với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, đến nay hầu hết doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản là áp lực nhất khi phải đối diện với khối nợ trái phiếu “khổng lồ” lên đến 350.876 tỉ đồng đã phát hành, giá trị cần xử lý trong năm 2024 ước tính là gần 100.000 tỉ đồng. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 43 về hỗ trợ lãi suất (2%/năm), gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, Thông tư 02 cơ cấu lại nợ và giãn thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, HUBA đánh giá, những chính sách này dường như “rơi không đúng chỗ” nên hiệu quả không cao. Đơn cử, Nghị quyết 43 đến hết năm 2023 mới chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỉ đồng/tổng quy mô 40.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,05%. Hay như gói 120.000 tỉ đồng sau gần 1 năm triển khai mới chỉ giải ngân chưa được 1%.

doanh-nghiep-bds-kho-khan-1719739097.jpg
Các doanh nghiệp bất động sản là áp lực nhất khi phải đối diện với khối nợ trái phiếu “khổng lồ”

Nguyên nhân đến từ điều kiện hưởng hỗ trợ khắt khe, thủ tục không thuận tiện, e ngại thanh kiểm tra, vướng mắc về pháp lý, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn đến từ việc dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó, thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo, những hỗ trợ không giải quyết được tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền.

Ngay cả với Thông tư 02 các doanh nghiệp được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ chỉ giải quyết được vấn đề ngắn hạn, vô hình trung lại gây áp lực trả nợ kép cho doanh nghiệp ngay tại kỳ tiếp theo 2025.

Lãi suất cho vay không phải mối lo lớn nhất

Từ những khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư, suy giảm cầu tiêu dùng. Đồng thời mong muốn được các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn thông qua việc tiết giảm chi phí hoạt động, hạ thấp biên lợi nhuận định mức để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng lên theo tuần, mức lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng đã không còn là “của hiếm” trên thị trường.  Dù con số điều chỉnh vẫn ở ngưỡng thấp, dao động trong khoảng 0,5% tại mỗi kỳ hạn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo ngại về việc lãi vay sẽ tăng cao, kéo theo áp lực trả nợ ngân hàng lớn dần lên.

tran-ngoc-bau-1719739156.jpg
Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup

Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty CP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cho rằng, việc lãi suất huy động tăng tác động đến lãi vay là điều khó tránh khỏi nhưng mức tăng sẽ không lớn, bởi chính sách điều hành của cơ quan quản lý vẫn muốn duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, nhà điều hành sẽ có những công cụ cần thiết để giảm thiểu đà tăng của lãi suất cho vay.

Thế nhưng, độ trễ của lãi suất cho vay với lãi suất huy động không có một đáp án chung, có khi chỉ vài tháng nhưng cũng có lúc kéo dài că năm. Điều này phụ thuộc vào thanh khoản hiện hữu của hệ thống ngân hàng, lệch pha trong cung cầu về vốn, hay lộ trình áp dụng chính sách từ cơ quan quản lý…

Ông Báu nhận định, khả năng cao lãi suất huy động sẽ chỉ tăng khoảng 0,5-1%/năm, sau đó duy gì hoặc giảm trở lại vào năm sau. Trên cơ sở đó, lãi suất cho vay cũng sẽ dần bám sát biến động của lãi suất huy động. Với bối cảnh hiện nay, độ trễ có khả năng cao sẽ khoảng 2-3 tháng.

Đáng chú ý, ông Báu cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp không phải là lãi suất mà là đầu ra và khả năng tiếp cận vốn. Giải pháp phù hợp lúc này là tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn. Đồng thời đảm bảo sự ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và tỷ giá. Điều này sẽ giúp cả ngân hàng và doanh nghiệp hoạch định kinh doanh chính xác hơn.

“Việc gây sức ép lên hệ thống ngân hàng để giảm lãi suất cho vay sẽ có thể để lại hậu quả tiến độ cho vay chậm lại và bóp méo cơ chế thị trường”, ông Báu nhận định.