Lãi suất tăng trở lại nhưng kênh tiền gửi vẫn khó hấp dẫn

Mặc dù lãi suất tiền gửi đang rục rịch tăng trở lại nhưng tính đến hết quý II/2024, huy động vốn mới chỉ tăng 1,5% so với đầu năm. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tăng chức tín dụng ghi nhận mức tăng 1,5% so với cuối năm 2023, tương đương 13,575 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng thấp này diễn ra trong bối cảnh, các ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất trở lại kể từ cuối tháng 2.

Trong 1 tháng trở lại đây, làn sóng tăng lãi suất đã lan tỏa mạnh tại hầu hết các ngân hàng với biên độ điều chỉnh có nơi lên tới 1,7%. Mức lãi suất từ 5% đến dưới 6% cho các kỳ ngắn hạn và trên 6% cho kỳ hạn trên 12 tháng đã không còn quá hiếm trên thị trường.

Lý giải nguyên nhân của việc lãi suất tiết kiệm liên tục tăng trong thời gian vừa qua, giới chuyên gia cho rằng, do tăng trưởng tín dụng gần đây đã khởi sắc trở lại, các ngân hàng cần nguồn tiền lớn để cho vay. Đồng thời, cân bằng lợi suất sinh lời với các kênh đầu tư khác như USD, vàng…

gui-tiet-kiem-1719904270.jpg
Lãi suất tiết kiệm liên tục tăng trong thời gian vừa qua

Tuy nhiên, dù đã tăng trở lại nhưng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn rất thấp, tại các kỳ hạn 24-36 tháng, mức lãi suất cũng chỉ nhỉ hơn 6%/năm, trong khi trước đây là 7,5-8%. Nếu do với biến động của vàng với tốc độ tăng lên có lúc lên tới 20%, kênh tiền gửi được đánh giá là chưa hấp dẫn.

Theo chị Bùi Như (Thành Công, Hà Nội), lãi suất tiết kiệm đã tăng trở lại nhưng vẫn ở mức nền thấp, loanh quanh ngưỡng 5-6%, không thực sự quá hấp dẫn, nên chị vẫn lựa chọn kênh đầu tư vàng, hoặc chứng khoán sẽ có biên độ lợi nhuận cao hơn trong giai đoạn này.  

Đồng quan điểm, anh Thành Trung (Hà Nội) cũng cho rằng, dù lãi suất tiết kiệm đang tăng nhưng lợi suất của vàng, hay bất động sản vẫn hấp dẫn dòng tiền đầu tư hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Trường đại học Kinh tế TP.HCM, để giảm áp lực tỷ giá trong thời gian qua, nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu, nâng lãi suất lên, nhằm hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá và đây sẽ là xu hướng dài hạn, nhưng khó tăng cao.

Việc mặt bằng lãi suất chưa thể đột phá do tăng trưởng kinh tế đang phục hồi, nhưng còn chậm, nên chủ trương Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn.

bat-dong-san-1719904340.jpg
Bất động sản sẽ là kênh "hút" một phần dòng tiền nhàn rỗi

Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực với lãi vay mua nhà chỉ dao động 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi, khiến nhiều người định hướng chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào tài sản bất động sản.

“Mặc dù bất động sản cũng được đánh giá là kênh rủi ro cao nhưng những nhà đầu tư am hiểu, có sẵn dòng tiền sẽ chuyển đổi kênh đầu tư sang bất động sản. Nhất là trong bối cảnh hầu hết các nhận định đều cho rằng thị trường bất động sản sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Việc đổ tiền vào bất động sản sẽ là điều đương nhiên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định.

Đưa ra nhận định về kênh tiền gửi, bà Thiều Thị Nhật Lệ - Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có những đấu hiệu hồi phục, sự nhảy vọt của giá vàng, lãi suất huy động nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục răng nhẹ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, cùng với nhu cầu đầu tư gia tăng của nhà đầu tư trong nước, đây tiếp tục được xem là kênh đầu tư hấp dẫn mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.