Lãi suất tiết kiệm khó có thể tăng cao trong ngắn hạn

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang rục rịch tăng trở lại và được dự báo sẽ còn tăng thêm trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức tăng sẽ không đáng kể.

Tính đến giữa tháng 5, đã có 18 ngân hàng tăng lãi suất đầu vào với mức cao nhất được áp dụng là 6,2%/năm ở kỳ hạn dài, thậm chí có một số ngân hàng đã tăng 2 - 3 lần lãi suất trong vòng 1 tháng như VIB, Techcombank CB, SeaBank...Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 5.

Nguyên nhân được cho là đến từ việc tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong những tháng đầu năm cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục, buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo nguồn vốn.

lai-suat-tiet-kiem-1716504825.png

Đã có 18 ngân hàng tái tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian qua

Tại hội thảo dự báo thị trường và chiến lược đầu tư, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam nhìn nhận, lãi tiền gửi tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhiều năm khi mặt bằng chung lãi suất đang ở mức 5%. Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất trong thời gian qua ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Lấy dẫn chứng cho ý kiến này, theo TS. Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho biết, dòng tiền đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Đáng chú ý nhất là vàng, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 22%, do đó chỉ cần nắm giữ vàng từ đầu năm, nhà đầu tư đã tạm lãi khoảng 18,5%.

Cùng với đó, tiền vào chứng khoán cũng tăng cao, dòng tiền trong nước "cân" toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể.

Theo đó, để “níu giữ” dòng tiền không dịch chuyển sang quá nhiều sang các kênh đầu tư khác, ông Đinh Đức Quang cho biết, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lãi suất huy động có thể phục hồi về thời điểm đầu năm trong các tháng tới, tương đương với mức tăng bình quân 0,5-1% từ vùng đáy. Diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ tùy thuộc vào khả năng kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, diễn biến chính sách tiền tệ của FED.

dinh-quang-hinh-1716505300.png

Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, lãi suất có thể tiếp tục tăng nhưng không đáng kể

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất tăng thời gian vừa qua chủ yếu tập trung ở các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Trong khi nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, chiếm gần một nửa tổng tiền gửi toàn hệ thống vẫn đang duy trì ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức thấp nên đà tăng của lãi suất huy động sẽ không quá nhanh trong các tháng tới.

Tương tự, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong thời gian tới, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhưng sẽ không đáng kể, chủ yếu là do nền kinh tế trong giai đoạn đầu phục hồi với tốc độ vừa phải, đặc biệt tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng vẫn còn chậm.

“Tại thời điểm cuối tháng 3, NHNN đã hút ròng tới 170.000 tỉ đồng (tương đương 6,6 tỉ USD). Sau đó, khai lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng nóng, NHNN đã tích cực bơm thanh khoản trở lại. Những động thái linh hoạt này sẽ đảm bảo tỷ giá vẫn được hỗ trợ nhưng tránh gây áp lực quá lớn lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay”, ông Hinh phân tích.

Ngoài ra, ông Hinh còn cho biết thêm, việc lãi suất huy động giảm từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, dẫn đến chi phí vốn thấp, có thể cho phép các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay. Tín hiệu lãi suất huy động chạm đáy và bật tăng trở lại trong tháng vừa qua có thể là chỉ báo cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất cho vay không còn nhiều do các ngân hàng thương mại còn phải cân đối với các chỉ tiêu kinh doanh khác và duy trì tỷ lệ NIM lành mạnh.