Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại, liệu có sự đảo chiều về chính sách tiền tệ?

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đảo chiều tăng nhanh, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự đảo chiều chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng không đáng quan ngại, lãi suất tiết kiệm không thể tăng cao.

Chỉ trong những ngày đầu tháng 6, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ngày càng lan rộng khi có 16 ngân hàng thay đổi biểu lãi suất tiền gửi với mức điều chỉnh mạnh nhất đến 1,7%. Thậm chí có ngân hàng còn tăng 2 lần là GPBank và VIB.

ABBank có mức điều chỉnh mạnh nhất dao động từ 0,4 cho các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 12 tháng đã tăng thêm 1,7% lên mức 5,4%/năm. BVBank cũng thay đổi biểu lãi suất suất ở tất cả các kỳ hạn trong mức 0,3%, mức tăng cao nhất ghi nhận ở kỳ hạn 13 tháng với 0,8% lên 5,6%/năm.

Để hút tiền gửi từ dân cư, BVBank cũng bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi trở lại với lãi suất 5,4% với khoản tiền từ 10 triệu đồng. Tương tự, BacABank cũng có mức lãi suất của kỳ hạn 12 tháng lên tới 5,6%/năm cho khoản tiền gửi 1 tỷ đồng.

lai-suat-huy-dong-1718237757.jpg

Lãi suất huy động đang được điều chỉnh tăng tại nhiều ngân hàng

Không nằm ngoài xu thế, MBbank và Techcombank cũng tham gia vào đợt tăng lãi suất lần này với mức điều chỉnh 0,1-0,7%, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.

Nếu như hơn 1 tháng trước, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi với quy mô hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng, thì đến hiện tại, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất lên mốc này.

Cụ thể, NCB vừa thay đổi biểu lãi suất kỳ hạn tiền gửi 18-60 tháng lên 6,1%, trong khi mốc 12, 12, 15 tháng lần lượt là 5,6%, 5,7%, 5,8%/năm. OceanBank cũng “lọt top” các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao với 6,1%/năm áp dụng cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng, 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. HDBank, OCB cũng là 2 ngân hàng hiện đang trả lãi tiết kiệm trên 6% tại kỳ hạn dài 18 tháng, 24 tháng và  36 tháng.

Đại diện khối ngân hàng nước ngoài, Wooribank vẫn giữ gói tiết kiệm tích lũy với mức lãi suất cao nhất là 7,5% với kỳ hạn 36 tháng; lãi suất kỳ hạn 24- dưới 36 tháng là 7%/năm. Còn ở kỳ hạn 12 đến dưới 24 tháng là 6,5%.

Trong khi đó, 4 “ông lớn” quốc doanh hiện đang đứng ngoài xu thế chung khi giữ nguyên mức lãi suất trong 2 tháng trở lại đây.

Theo các chuyên gia, động thái điều chỉnh lãi suất tại các ngân hàng nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua. Kể từ đầu năm đến nay, vàng ghi nhận tỷ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm chỉ khoảng 1,5% (chiếu theo kỳ hạn 12 tháng).

dinh-the-hien-1718237855.jpg

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm 2024

Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm quay đầu tăng nhanh trong vòng hơn 2 tháng qua, nhiều ý kiến lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ xoay chiều.

Phân tích vấn đề này,TS.Lê Xuân Nghĩa cho biết, có 3 nguyên nhân khiến lãi suất tăng gồm: lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiền không bị thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.

Cũng theo ông Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp để ổn định phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng. Theo đó, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục ở mức thấp, lãi suất huy động sẽ chỉ điều chỉnh tăng nhẹ.

Nêu quan điểm về mức tăng của lãi suất tiết kiệm, TS.Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ khóa năm 2023 của ngành ngân hàng là “thừa tiền” bởi các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn liên quan đến yếu tố kinh doanh nên không có nhu cầu về vốn, trong khi nhóm bất động sản thì không đủ tiêu chuẩn để vay. Do đó, để điều tiết góp phần tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã phải hạ lãi suất tiền gửi.

Tuy nhiên, đến năm 2024, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu làm ăn của người dân tăng cao khi trong quý I/2024, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt gần 1,4% nhưng huy động vốn tại các tức chín dụng lại giảm 0,76% nên các nhà băng phải tăng lãi suất huy động trở lại nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất bao gồm: lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng tăng mạnh... Thế nhưng, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn, tăng lãi suất cao để huy động vốn do nguồn thu nợ gặp khó, thì lãi suất có tăng cũng sẽ không tăng quá 1% so với năm 2023.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào cuối năm nay, nhưng cần độ trể để lãi suất cho vay neo theo. Mức lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.