Hai vụ đạp nhầm chân ga gây tai nạn thương tâm
Tại Việt Nam, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra do người điều khiển ô tô nhầm lẫn giữa chân ga và phanh. Điển hình, ngày 16/3, tại ngã tư Thủ Đức (TP. HCM), một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi ô tô do bà N.T.T.N điều khiển đâm liên tiếp vào 10 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ. Vụ tai nạn đã khiến 1 người tử vong và 8 người khác bị thương.
Khai với cơ quan công an, bà N. cho biết đã mất kiểm soát và đạp nhầm chân ga, dẫn đến vụ tai nạn. Thời điểm xảy ra sự việc, bà N. có nồng độ cồn trong hơi thở.

Trước đó, sáng ngày 9/3, tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), bà H.T.T.L (68 tuổi) trong lúc điều khiển ô tô vào tiệm rửa xe trên đường Phạm Ngũ Lão, đã đạp nhầm chân ga. Hậu quả, ô tô tông trúng chị T.L.C (47 tuổi, chủ tiệm), dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng đạp nhầm chân ga chủ yếu xuất phát từ việc tài xế mất tập trung, căng thẳng hoặc thiếu kinh nghiệm. Khi đó, phản xạ của tài xế có thể bị lệch lạc, dẫn đến việc nhầm lẫn giữa chân phanh và chân ga.
Những người mới học lái xe hoặc chưa thạo lái thường có tâm lý thiếu tự tin, do đó khi gặp tình huống khẩn cấp, họ không đủ bình tĩnh để xử lý, thay vì đạp chân phanh, họ lại vô tình nhấn nhầm chân ga. Với những người lái xe ô tô số tự động, việc ngồi sai tư thế có thể làm tăng nguy cơ đạp nhầm chân ga.
Theo các chuyên gia về an toàn lái xe, lỗi đạp nhầm chân ga và chân phanh có thể xảy ra với cả xe số sàn và số tự động. Tuy nhiên, trên xe số tự động, vì không có chân côn, xe có thể lao nhanh hơn, dẫn đến mất kiểm soát.
Trong khi đó, xe số sàn có chân côn, khiến việc tăng tốc chậm hơn. Khi đạp phanh, người lái thường làm đồng thời với việc đạp côn, vì vậy nếu nhầm lẫn, động cơ chỉ rú lên mà xe không di chuyển. Vì vậy, tỷ lệ tai nạn do đạp nhầm chân ga ở người lái xe số tự động cao hơn rất nhiều so với người lái xe số sàn.
Một nguyên nhân khác gây đạp nhầm chân ga là thói quen để cần số ở chế độ D khi dừng xe tạm thời, mà không gạt về số "P". Trong khi dừng xe, tài xế thường chỉ cần xê dịch vị trí ngồi hoặc rời chân phanh, điều này làm tăng nguy cơ gặp phải tình huống bất ngờ và dễ đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh.
Việc đạp nhầm chân phanh và ga cũng có thể do người lái chưa quen với loại xe, đặc biệt là khi chuyển từ xe số sàn sang xe số tự động, nơi cần sử dụng hai chân để điều khiển phanh và ga.
Ngoài ra, việc mang giày, dép không phù hợp như giày cao gót, giày đế cứng, dép xỏ ngón hay đi chân trần cũng có thể gây khó khăn trong việc điều khiển chân ga và phanh. Tâm lý yếu, phản xạ kém do tuổi tác cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra tình huống đạp nhầm chân ga.

An toàn từ ý thức tài xế
TS. Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, các nhà sản xuất ô tô đã tính toán kỹ lưỡng khi thiết kế vị trí các bàn đạp trong xe. Chân ga được đặt ở phía ngoài cùng bên phải, trong khi chân phanh được định vị ở bên trái với khoảng cách sao cho tài xế chỉ cần nhấc chân là có thể đạp phanh một cách dễ dàng mà không cần phải nhìn.
Tai nạn do đạp nhầm chân ga thường xảy ra do tài xế thiếu kỹ năng lái xe hoặc đang trong trạng thái mất tập trung, căng thẳng thần kinh. Đôi khi, người lái có thể sử dụng rượu bia, chất kích thích, hoặc đang suy nghĩ về vấn đề gì đó khiến tâm trí rối bời và không tập trung khi lái xe. Khi đó, chỉ một tình huống bất ngờ cũng có thể khiến họ hoảng loạn và đạp nhầm chân ga.
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn do đạp nhầm chân ga, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng lái xe, các chuyên gia khuyến cáo người lái ô tô cần duy trì sự tập trung tối đa, tránh bị phân tâm bởi điện thoại, hệ thống giải trí hoặc các yếu tố khác trong xe.
Theo ông Khương Kim Tạo, việc đào tạo và sát hạch lái xe cần được chú trọng hơn nữa, đảm bảo rằng học viên có thể luyện tập thành thạo việc chuyển đổi giữa chân phanh và chân ga.
Tài xế cũng cần lưu ý tình trạng sức khỏe và tinh thần trước khi lái xe, tránh điều khiển phương tiện khi đang căng thẳng, mệt mỏi, buồn ngủ, hoặc sau khi sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi làm giảm sự tập trung của người lái, như sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc điện thoại, nhằm phòng ngừa các rủi ro tai nạn.
Nhiều chuyên gia giao thông nhấn mạnh, đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh là một lỗi dễ xảy ra với nghề lái xe. Tuy nhiên, tình huống này không nhất thiết phải xảy ra nếu tài xế không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích hoặc mất tập trung. Thậm chí, dù đạp nhầm, nếu tài xế đủ tỉnh táo, vẫn có thể sửa sai và xử lý tình huống để giảm thiểu thiệt hại.
Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, các hành vi có nguy cơ gây tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng vẫn nằm ở tinh thần tôn trọng pháp luật của người lái xe. Dù có lực lượng tuần tra trên đường hay không, mỗi tài xế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn.
Những giọt nước mắt ân hận muộn màng không thể xoa dịu nỗi đau của gia đình nạn nhân. Hãy tự nhắc nhở bản thân trước khi lên xe rằng "phía trước tay lái là sự sống" và "phía sau tay lái là cả một gia đình". Điều khiển vô lăng không chỉ liên quan đến sinh mạng của chính mình mà còn của những người xung quanh, vì vậy đừng bao giờ xem thường sự an toàn khi lái xe.