Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các huyện lập danh sách những trường hợp trúng đấu giá với giá cao hơn thị trường nhưng không nộp tiền, và công khai thông tin trên các trang thông tin của huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường. Thành phố cũng yêu cầu hoàn thiện quy định về đấu giá đất, hạn chế giao đất cho cá nhân xây dựng nhà ở và ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức thực hiện dự án đầu tư.
Hàng loạt động thái từ các địa phương
Ngày 23/9, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản tăng cường quản lý và kiểm soát giá bất động sản, đặc biệt yêu cầu rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản tại các khu vực có hiện tượng tăng giá bất thường. Tỉnh này cũng yêu cầu kiểm tra đấu giá đất có dấu hiệu tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các vi phạm và ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá đất để trục lợi.
Tương tự, UBND tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành các văn bản yêu cầu quản lý chặt chẽ tình hình biến động giá bất động sản, điều tra nguyên nhân tăng giá của các loại hình bất động sản và chấn chỉnh các hành vi thổi giá, đầu cơ.
Tại Hà Nam, Thái Bình, các UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến việc thổi giá và đầu cơ bất động sản.
Thực tế, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nỗi lo về tình trạng đầu cơ và thổi giá đất đai thông qua sự thao túng của các nhà đầu tư lướt sóng lại xuất hiện. Các chiêu trò của những nhà đầu cơ lướt sóng, “mua ngay, bán ngay” ngày càng lộ rõ thông qua các phiên đấu giá với hành vi trả giá cao ngất ngưởng, bán chênh, nếu không sẽ “chạy làng”.
Điển hình nhất là cuộc đấu giá tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) diễn ra hồi đầu tháng 8, sau khi trả mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 thì 80% nhà đầu tư đã bỏ cọc.
Sau nhiều biến động bất thường của thị trường nhà đất, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi đến các địa phương, yêu cầu kiểm soát tình trạng mua đi, bán lại bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại những khu vực, dự án và khu chung cư có dấu hiệu tăng giá bất thường.
Đồng thời đưa ra nhận định, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các hiện tượng như tung tin đồn, đầu cơ bất động sản, giá nhà đất tăng cao bất thường tại một số khu vực, và các cuộc đấu giá đất có giá thầu vượt xa giá khởi điểm tại các địa phương, vẫn đang diễn ra phức tạp, gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Lướt sóng dần “hẹp cửa”
Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng đã thừa nhận, một số nhóm đầu cơ và môi giới đã thao túng thị trường bằng cách tạo ra các giá ảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi. Bộ cũng đề xuất xem xét thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản" do Nhà nước quản lý, nhằm ngăn chặn các hành vi cấu kết gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời, tăng cường giám sát và quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, sàn giao dịch và môi giới.
Thực tế, các nhóm các nhà đầu tư lướt sóng, luôn được đánh giá là những người rất nhạy bén với thông tin. Chỉ cần một tín hiệu ở địa phương về việc sắp có hạ tầng, đấu giá đất, thậm chí là dự thảo chính sách…họ sẽ lập tức đổ về điểm nóng, mua ngay một số lượng phù hợp rồi bán ngay để thu lợi.
Gần đây nhất, phiên đấu giá 114 lô đất tại xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cũng gây xôn xao dư luận khi thu hút hàng nghìn người tham dự. Theo người tham gia đấu gia, khu vực này nằm ở vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, 2 bên có Quốc lộ 46 và đại lộ Vinh - Cửa Lò, cùng nhiều yếu tố khác nên dự kiến giá sẽ còn tăng cao.
Sau khi kết thúc đấu giá, có khá nhiều trường hợp đáng chú ý như ông Phan Văn Đào (trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã trúng 15 lô với mức giá từ 2,3 – 3 tỉ đồng/lô; chị Ngô Thị Kiều (xã Nghi Phú, TP Vinh) cũng trúng 15 lô với giá từ 2,2 – 2,8 tỉ đồng/lô; ông Đinh Quốc Chung (TP Vinh) trúng 12 lô. Các lô trúng giá đều cao hơn 30 – 40% so với giá khởi điểm.
Trước đó, tại một số phiên đấu giá của Nghệ An cũng ghi nhận số hồ sơ tăng đột biến. Chẳn hạn phiên đấu giá tại xã Hưng Thông, dù chỉ đấu giá 92 lô đất nhưng có tới 1.000 hồ sơ đấu và kết quả đấu giá thành đạt 150 tỷ, cao gần gấp 3 lần so với giá khởi điểm theo kế hoạch là 60 tỷ.
Tương tự, phiên đấu giá đất tại Xuân Lâm (Nam Đàn) hồi đầu tháng 5/2024 có số hồ sơ tham gia kỷ lục với 1.100 hồ sơ đấu 108 lô đất…Tương tự các phiên đấu giá tại Hà Nội, ngay sau khi kết thúc đấu giá, nhiều “sàn giao dịch” bất động sản mọc lên ngay tại các lô đất, giá “sang tay” chênh 100 triệu đồng/lô.
Các chuyên gia cho rằng, lực lượng nhà đầu tư lướt sóng đang chiếm tỷ lệ áp đảo trong thị trường, là tác nhân chính gây xáo trộn và làm thị trường “nóng” lên từng đợt. Thị trường đất nền, với đặc thù dễ bị đầu cơ và tiềm năng tăng giá cao, đã chứng kiến giá tăng vọt theo từng ngày, từng tuần, khiến không chỉ cơ quan quản lý mà ngay cả các nhà đầu tư cẩn trọng cũng cảm thấy lo ngại.