Lao động di cư đến TP. HCM giảm về số lượng, tăng về trình độ tay nghề

Lao động di cư đến TP.HCM đang có xu hướng tăng về trình độ học vấn và tay nghề, tạo ra áp lực cho thành phố trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp. Sự chuyển dịch này đòi hỏi các giải pháp mới nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững cho thành phố.

Giảm về số lượng, tăng tỉ lệ trình độ cao

Ngày 8/11, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM (HIDS) đã công bố kế quả từ nghiên cứu "Lao động di cư trong nước đến TP.HCM (giai đoạn 2019-2022) - Thực trạng và giải pháp".

Sự sụt giảm mạnh về số lượng lao động di cư đến TP. HCM, từ khoảng 200.000 người/năm xuống còn khoảng 65.000 người vào năm 2023, khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế của thành phố.

lao-dong-1-1731285521.jpg
TP. HCM sụt giảm lao động di cư từ khoảng 200.000 người/năm xuống còn khoảng 65.000 người vào năm 2023

Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy một hướng tích cực khác: Tỷ lệ lao động di cư có trình độ học vấn và tay nghề cao đang tăng lên rõ rệt. Số công nhân có chuyên môn kỹ thuật bậc trung (có tay nghề) cũng gia tăng liên tục. Mặc dù lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhưng đã giảm rõ rệt.

Theo nhóm nghiên cứu, những kết quả này cho thấy xu hướng chuyển dịch trình độ học vấn của lao động di cư từ mức thấp lên mức cao hơn. Nói cách khác, lao động di cư đến TP. HCM ngày càng được chọn lọc, với tỷ lệ lao động có trình độ học vấn ngày càng cao.

Kết quả từ nghiên cứu trên cũng cho thấy sự tương đồng khi so sánh với tỷ trọng đóng góp của lao động di cư vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) mà nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích.

Cụ thể, ba nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong giai đoạn 2018-2023 là: Vốn, lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Trong đó, đóng góp của nguồn lao động và vốn có xu hướng giảm dần qua các năm, trong khi năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) lại gia tăng và hiện chiếm tỉ trọng cao nhất. Tỷ lệ cao của TFP phản ánh TP. HCM đang chuyển hướng sang tăng trưởng dựa trên năng suất tổng hợp, thay vì chỉ phụ thuộc vào vốn hay lao động.

Gia tăng TFP thường đi liền với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý và nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho người lao động.

Theo tiến sĩ Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, điều này cho thấy một hướng phát triển bền vững, giúp TP. HCM giảm phụ thuộc vào tăng trưởng nhờ vốn hay số lượng lao động, phù hợp với định hướng phát triển dài hạn của thành phố.

lao-dong-1731285521.jpg
Cần có chính sách đãi ngộ dành cho nhóm lao động di cư để họ có thể gắn bó lâu dài với thành phố

Cần có chính sách hấp dẫn để níu giữ lao động

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - nguyên Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM nhận xét, lao động từ các tỉnh thành khác đến TP. HCM đóng góp rất lớn và vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Vì vậy, cần có chính sách đãi ngộ dành cho nhóm lao động này để họ có thể gắn bó lâu dài với TP. HCM. Đây cũng là trách nhiệm của thành phố đối với lực lượng lao động đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Ông đề cập đến các chính sách hỗ trợ như nhà ở, học phí, bảo hiểm và đào tạo nghề đã được ban hành, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. HCM đề xuất các cơ quan Nhà nước cần có chính sách quản lý lao động chặt chẽ hơn, áp dụng quản lý thống nhất trên cả nước mà không phân biệt lao động tại chỗ hay lao động di cư.

Ông nhấn mạnh, lao động từ các tỉnh đến làm việc tại TP. HCM, trong khi lao động thành phố lại di chuyển ra nước ngoài. Do đó, để tận dụng tốt nguồn lực lao động di cư, cần cân đối giữa nguồn cung phong phú và nhu cầu nhân lực phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thành phố.

Việc dự báo, truyền thông và định hướng người lao động lựa chọn ngành nghề và trình độ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của TP. HCM là rất quan trọng. Lao động chất lượng cao giúp thành phố phát triển, còn lao động chất lượng thấp giúp thành phố duy trì sự ổn định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Khánh - Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển chia sẻ, theo lý thuyết phát triển đô thị lớn, việc thu hút lao động chất lượng cao mới là xu hướng giúp thành phố phát triển bền vững. Đối với lao động phổ thông, khi thành phố đạt đến một mức phát triển nhất định, thu nhập của họ không còn đáp ứng đủ, họ sẽ tự động rời khỏi vùng trung tâm.

Ông Khánh cho rằng, việc càng đẩy mạnh thu hút lao động sẽ dẫn đến tăng trưởng dân số quá mức, gây áp lực cho thành phố và ảnh hưởng đến chất lượng an sinh xã hội. Do đó, các chính sách nên tập trung vào việc thu hút lao động chất lượng cao, đồng thời điều chỉnh mô hình kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt từ các địa phương lân cận và các thành phố lớn, TP. HCM cần có chiến lược dài hạn để thu hút và giữ chân lao động di cư. Chiến lược này bao gồm việc tạo điều kiện cho lao động di cư tham gia vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời đảm bảo cho họ một cuộc sống ổn định và an toàn tại thành phố.

Đầu tư vào công nghệ và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động di cư cũng sẽ giúp TP. HCM phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.