Liên tiếp các vụ học sinh bị ngộ độc: Hàng rong trước cổng trường bao giờ mới bị dẹp bỏ?

Sau vụ việc hàng chục học sinh bị ngộ độc thực phẩm, ngành chức năng TP. Thủ Đức cho biết, sẽ có biện pháp kiểm soát, dẹp bỏ, cấm tất cả việc buôn bán hàng rong ở trước các cổng trường học của địa phương để đảm bảo an toàn.

Thời gian qua, nhiều học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm nghi do ăn thức ăn tại các hàng rong trước cổng trường. Gần đây nhất, sáng 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức, TP. HCM) tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 16 học sinh thuộc 4 trường tiểu học là Thạnh Mỹ Lợi, Nguyễn Văn Trỗi, Bình Trưng Đông và Lương Thế Vinh. Các học sinh 7 - 11 tuổi được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Phụ huynh của những học sinh này cho biết, sáng cùng ngày, tất cả trẻ đều ăn cơm cuộn (sushi) mua trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2,5 - 3 giờ, các em lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn rồi nôn nhiều lần, đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt, một số trẻ bị tiêu chảy...

Các y bác sĩ đã truyền dịch, cho dùng kháng sinh và chăm sóc tích cực với nhóm trẻ. Đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đến tối 4/5, bệnh viện đã cho 13 bệnh nhi sức khỏe ổn định xuất viện. Còn 3 trường hợp vẫn được giữ lại viện để theo dõi. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã lấy mẫu phân và máu của các bệnh nhi để làm xét nghiệm.

hang-rong-1-1714901483.jpg
Một học sinh trong vụ ngộ độc tại TP. Thủ Đức (Ảnh: NLĐ)

Trước đó, ngày 9/4, 28 học sinh trường mầm non, tiểu học, THCS ở thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) cũng bị ngộ độc do ăn cơm cuộn bán rong trước cổng trường.

Cũng tại Khánh Hòa, ngày 5/4, 37 học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường và THCS Trần Hưng Đạo (TP. Nha Trang) nhập viện vì nôn ói, đau bụng. Một học sinh nữ lớp 5 tử vong chưa rõ nguyên nhân. Trong tháng 3/2024, tại Nha Trang còn có 10 học sinh bị rối loạn tiêu hóa nghi do ăn cơm gà trước cổng trường.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bày bán tràn lan tại nhiều cổng trường học trên khắp cả nước.

Các xe hàng rong bán đồ ăn vặt, nước uống cho học sinh đa dạng từ đồ ăn sẵn như bánh kẹo đến đồ ăn nhanh được chế biến tại chỗ như thịt xiên nướng, chân gà nướng, xúc xích, bánh… Những loại đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ này có thể là một trong những nguy cơ khiến học sinh bị ngộ độc thực phẩm.

Thế nhưng, quanh khu vực các cổng trường, học sinh vẫn vô tư mua đồ ăn tại các quầy hàng rong. Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng ngó lơ về vấn đề an toàn thực phẩm khi để con em mình mua, sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, nhãn mác...

Sau vụ việc hàng chục học sinh bị ngộ độc thực phẩm, các ngành chức năng TP. Thủ Đức cho biết, sẽ có biện pháp kiểm soát, dẹp bỏ, cấm tất cả việc buôn bán hàng rong ở trước các cổng trường học của địa phương để đảm bảo an toàn.  

Trước đó, khi Khánh Hòa xảy ra 2 vụ học sinh ngộ độc liên tiếp chỉ cách nhau vài ngày, TP. Thủ Đức đã ban hành công văn khẩn, tuyên truyền để các ban ngành và phụ huynh học sinh nắm rõ, không mua thực phẩm bán rong trôi nổi tại cổng trường.

hang-rong-1714901483.jpg
Hàng rong trước cổng một trường học tại quận 5, TP. HCM (Ảnh: Ái My)

Tình trạng học sinh bị ngộ độc do ăn đồ ăn mua trước cổng trường luôn là nỗi lo của phụ huynh và vấn đề nhức nhối của cơ quan chức năng. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM chia sẻ, lãnh đạo trường nào cũng ý thức được việc học sinh ăn uống hàng rong trước cổng trường là không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng hàng rong trước cổng trường cũng rất khó "đuổi". Những đợt phường, khu phố ra quân mạnh tay thì hàng rong ít. Sau đó, đâu lại vào đấy! Nhà trường chủ yếu chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không mua đồ ăn ở hàng rong trước cổng trường.

Về xử lý bán hàng rong trước cổng trường học, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người nào có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Người bán hàng rong có hành vi gây mất trật tự công cộng trước trường học có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Trường hợp trẻ em ăn thực phẩm bán rong trước cổng trường mà bị ngộ độc thực phẩm thì người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thực tế mà người bán hàng rong có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự cố về ngộ độc thực phẩm mà mình gây ra.

Về xử phạt vi phạm hành chính, điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 1 người đến 4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng; từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng.