Liên tục hạ giá, ngân hàng vẫn không tìm được khách mua tài sản phát mãi

Mặc dù rất nỗ lực ráo bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản, nhưng các ngân hàng vẫn đang chật vật, không thể tìm được khách mua. Hàng nghìn tỉ đồng vẫn mắc kẹt trong bất động sản.

Sau nhiều lần rao bán không thành công các khoản nợ xấu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các công ty thanh viên, mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lại vừa phát đi hàng loạt thông báo đấu giá các khoản nợ này.

Theo đó, Agribank thông báo đấu giá thứ 8 khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Mạnh Loan (phố Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) với giá khởi điểm 90 tỷ đồng, đã giảm hơn 15 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên vào tháng 11/2023. Trong thời gian này, Agribank cũng rao bán khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mivi Việt Nam với giá khởi điểm 45,67 tỷ đồng, giảm gần 7 tỷ đồng so với lần bán đầu tiên hồi tháng 8/2023; khoản nợ của Công ty Cổ phần Hạ tầng cảnh quan Green-Art với giá khởi điểm 33 tỷ đồng, giảm 4,89 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên vào tháng 8/2023. 

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này là 13 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, với tổng diện tích gần 3.000m2 tại dự án Khu Du lịch phức hợp Hoàng Hải (ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang).

tan-hoang-minh-1715706721.jpeg

Tòa nhà văn phòng số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay của Tân Hoàng Minh

Bên cạnh đó, Agribank cũng đang nỗ lực rao bán 3 khoản nợ của các doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh bao gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bắc Hà, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản THM Thịnh Vương, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Thanh. Tổng giá trị khởi điểm là gần 200 tỷ, giảm khoảng 18,8 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên. 

Cả 3 khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của bên thứ ba, là quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng thuê dài hạn và không hủy ngang tòa nhà văn phòng và trụ sở Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Sự Thật, số 24 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh. Chưa dừng lại ở đó, tòa nhà này còn là tài sản đảm bảo cho 1 khoản vay khác trị giá 88,54 tỷ đồng của công ty Bắc Hà. 

Ngoài các khoản nợ kể trên, Agribank cũng từng rao bán các khoản nợ của một loạt công ty con của Tân Hoàng Minh với tổng giá trị các khoản nợ tại thời điểm rao bán lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, Agribank chi nhánh thành phố Đà Nẵng vừa thông báo bán đấu giá 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, có tổng trị giá là gần 700 tỷ đồng.

Không chỉ Agribank, VietinBank chi nhánh Bắc Sài Gòn (VietinBank Bắc Sài Gòn) vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 16 khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon). Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 24/4/2024 là gần 589 tỷ đồng. Trong đó hơn 327 tỷ đồng nợ gốc, còn lại là lãi, lãi phạt quá hạn.

Trong lần đấu giá này, giá khởi điểm của khoản nợ chỉ còn hơn 67 tỷ đồng, giảm hơn 250 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 7/2023. Đáng chú ý, khoản nợ này đã được ngân hàng rao bán từ năm 2022.

trung-tam-ben-du-thuy-hoang-gia-1715706807.jpg

Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort cũng đã được VietinBank Thành An rao bán lần thứ 4 để thu hồi nợ

Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon (phường 10, TP Đà Lạt); quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

VietinBank chi nhánh Thành An cũng vừa có thông báo bán đấu giá lần 4 khoản nợ 600 tỷ đồng của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền. Các tài sản đảm bảo đem ra đấu giá là Quyền sử dụng 5.965,5m2 đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất thuộc Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A ….

Nhận định về việc liên tiếp “ế” nợ của các ngân hàng dù khá thoáng tay chiết khấu, luật sư Đào Hồng Lê, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc các tài sản đảm bảo được phát mãi bởi ngân hàng khó thanh khoản một phần nguyên nhân đến từ việc khó khăn chung của thị trường, nhưng cũng một phần do việc định giá phát mãi tài sản không dựa theo giá trị thực tế mà tính cả gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn. Thậm chí, ngay từ khi cho vay, ngân hàng đã định giá tài sản không đúng sự thật, vừa để đáp ứng quy định cho vay không vượt quá 70% giá trị tài sản thế chấp vừa để vừa lòng khách hàng.

“Do đó, ngay cả khi bán được tài sản đảm bảo thì cũng khó có thể thanh toán được đủ số tiền gốc lãi mà ngân hàng đã cho vay”, Luật sư Lê đánh giá.