Lo hiệu ứng tạo mặt bằng giá "ảo" từ hoạt động đấu giá đất

Phân khúc đất đấu giá ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã sôi động trở lại khi số lượng người nộp hồ sơ và trúng đấu giá tăng vọt, các địa phương cũng liên tiếp “bung hàng”. Trước “sức nóng” của hoạt động này, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về hiệu ứng tạo mặt bằng giá “ảo”.

“Mùa vàng” đấu giá đất

Trong báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao, dòng tiền sẽ dần “rẽ hướng” sang các loại hình khác. Trong đó, hấp đẫn nhất phải kể đến loại hình đất đấu giá tại các khu đô thị, khu dân cư bởi đây là loại hình đát sạch,pháp lý đầy đủ.

Thực tế thời gian gần đây, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương diễn ra sôi động với số lượng hồ sơ tăng vọt, với mức đấu giá thành công cao hơn từ 20% cho tới 10 lần so với giá khởi điểm.

“Thời gian tới, chắc chắn dòng tiền sẽ tiếp tục “đổ” về loại hình đất đấu giá khi các địa phương tổ chức nhiều phiên đấu giá để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách”, VARS nhận định.

dat-dau-gia-1721804902.jpeg
Hoạt động đấu giá đất đang diễn ra khá sôi động tại các huyện ngoại thành Hà Nội

Mới đây, Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa có thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 68 thửa đất tại Khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), diện tích từ 60 - 85 m2/thửa đất với giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2.

Tương tự, Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân vừa ra thông báo đấu giá 13 thửa đất ở vị trí tại các xã Dũng Tiến, Tô Hiệu (huyện Thường Tín), diện tích các thửa đất dao động từ 90-177m2/thửa, giá khởi điểm 14,4 - 15,6 triệu đồng/m2.

Huyện Phú Xuyên cũng chuẩn bị đấu giá 13 thửa đất tại khu Thùng Lò Gạch (thôn Bái Đô, xã Tri Thủy) với mức giá 14-15 triệu đồng/m2, diện tích 137-176m2/thửa; huyện Đan Phượng cũng đưa 85 lô đất tại các xã Phương Đình, Hạ Mỗ ra đấu giá, diện tích các khu đất 61-101 m2/lô, giá khởi điểm từ 14-15 triệu đồng/m2…

Trước đó, hoạt động đấu giá cũng diễn ra khá sôi động tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Đơn cử, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá 51 thửa đất hồi tháng 6 vừa qua, thu về cho ngân sách 169 tỉ đồng, chênh 47 tỉ đồng so với giá khởi điểm.

Đây là đợt đấu giá đất thứ 10 của huyện Mê Linh trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị thu về được cho ngân sách sau 10 phiên đấu giá là 1.062 tỉ đồng. Đặc biệt, hầu hết các phiên đấu giá đều thu về số tiền chênh cao so với giá khởi điểm.

Cẩn trọng hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo

Lý giải về sự thành công về hoạt động đấu giá trong nửa đầu năm 2024, lãnh đạo Công ty Đấu giá Việt Nam nhận định, lãi suất tiết kiệm hạ về mức giá thấp khiến nhiều người không còn mặn mà gửi tiền ngân hàng, các kênh đầu tư khác cũng nhiều biến động nên bất động sản trở thành nơi “đổ vốn” tin cậy của nhà đầu tư.

Cũng đưa ra nhận xét về sức hấp dẫn của đất đấu giá, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, do quy định cập nhật giá đất hàng năm tại Luật Đất đai 2024 có thể khiến giá bất động sản đi lên, nên nhiều nhà đầu tư tranh thủ gom đất trước khi luật được áp dụng. Ngoài ra, những lô đất đấu giá thường có mức giá trung bình khoảng 3 tỉ đồng trở xuống, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người và dễ thanh khoản.

Cũng theo ông Điệp, các huyện vùng ven Hà Nội có lợi thế về quỹ đất và dư địa phát triển. Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang đi lên, các lãnh đạo huyện sẽ không bỏ lỡ “con gà đẻ trứng vàng” mang tên đấu giá đất để gia tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

dau-gia-dat-1721804980.jpg
Đất đấu giá không chỉ hút nhà đầu tư có nhu cầu thực mà còn hút cả đầu cơ

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng, Hà Nội vốn là thị trường bất động sản tiềm năng, không chỉ hút người mua có nhu cầu thực mà cả đầu cơ. Do đó, không loại trừ khả năng trong nhiều phiên đấu giá vẫn xuất hiện các nhà đầu tư “bắt tay” trả giá cao nhưng chưa chắc đã mua, nhằm nâng giá những khu đất xung quanh hòng trục lợi.

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong vài năm trở lại đây, thay vì đấu giá đất để tạo thêm nguồn cung mới cho người có nhu cầu nhà ở, thì lại trở thành một thị trường đầu cơ mới. Các suất trúng giá liên tục bị mua đi bán lại, không bán được nhà đầu tư bỏ cọc.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, lâu nay, việc trúng đấu giá đất ở mức giá cao sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh, nhiều người sẽ căn cứ vào mức này để đẩy giá chuyển nhượng lên cao.

Thực tế, phân khúc đấy nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận cũng đang sôi động trở lại, có khu vực giá đã tăng khoảng 30% trong 1 năm qua. Báo cáo của VARS cũng đưa ra nhận định, trong 6 tháng đầu năm, giao dịch đất nền vùng ven có tăng nhiệt nhưng chưa thực sự sôi động, một số khu vực “nóng thật” nhưng có có khu vực xuất hiện dấu hiệu “thổi giá”.