Mất đồ ship ở chung cư
Sau đại dịch Covid-19, mua sắm trực tuyến đã bùng nổ và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, hạ tầng của nhiều chung cư chưa kịp đáp ứng sự thay đổi này. Việc thiếu khu vực giao nhận hàng hóa không chỉ gây bất tiện mà còn ảnh hưởng đến an ninh và mỹ quan của chung cư.
Khi không có nơi giao nhận hàng cố định, shipper phải để hàng ở sảnh, góc hành lang hoặc thậm chí ngoài cổng chung cư. Điều này không chỉ khiến hàng hóa dễ bị mất mát, hư hỏng mà còn làm xáo trộn không gian chung của tòa nhà.
Một vấn đề phổ biến là nhiều chung cư không có đủ kinh phí hoặc nhân lực để bố trí khu vực giao nhận hàng hoặc quản lý hệ thống này. Với các chung cư giá rẻ, bảo vệ thường chỉ đứng tại các điểm trọng yếu như cổng ra vào và hầm xe mà không có người giám sát tại các khu vực giao nhận hàng. Điều này tạo ra "kẽ hở" cho những kẻ xấu lợi dụng lấy trộm tài sản, gây tổn thất cho cư dân.
Thậm chí, ngay cả ở những chung cư cao cấp, tình trạng này vẫn xảy ra do thiếu sự đồng bộ trong quản lý vận hành, khi mà trách nhiệm giao nhận hàng chỉ là thỏa thuận giữa cư dân và người giao hàng, không có sự giám sát từ ban quản lý hoặc lực lượng bảo vệ.
Việc không có một khu vực giao nhận hàng hóa được tổ chức và quản lý chặt chẽ cũng khiến các cư dân gặp khó khăn khi sắp xếp thời gian, đặc biệt với những người làm việc giờ hành chính. Đã có không ít trường hợp cư dân phải nhờ shipper để hàng ở các quán nước gần chung cư, rồi phải trả thêm phí gửi đồ.
Như sự việc đang lùm xùm gần đây tại chung cư Saigon South Residences (SSR - Nhà Bè, TP. HCM) khi ban quản lý bất ngờ không cho phép gửi hàng trong khuôn viên chung cư. Nhiều cư dân tại đây bày tỏ bức xúc vì điều này gây nhiều bất tiện cho họ.
Chị H.T ở block D cho biết, shipper giao hàng lúc chị đang làm. Không thể gửi tại bảo vệ, shipper phải để nhờ ở quán nước trước cổng với phí 5.000 đồng mỗi đơn. Do làm về muộn, chị H.T chỉ nhận được hàng vào ngày hôm sau. Từ khi BQL không nhận đồ giúp cư dân, quán nước đối diện đã trở thành điểm nhận hàng với một khoản phí nhỏ.
Tương tự, ban quản lý chung cư The Sun Avenue (Thủ Đức) cũng thông báo không nhận giữ tài sản do không có khu vực bảo quản. Điều này khiến cư dân phải để đồ ở khu vực hộp thư, gây ra tình trạng mất mát như trường hợp của chị P.Q.C. Chị C. cho biết, khi shipper tới giao hàng thì chị không có nhà nên đã yêu cầu để lại tại khu vực hộp thư. Tuy nhiên, sau đó gói hàng này của chị đã “không cánh mà bay”.
Chị C. đề xuất, chỉ cần ban quản lý bố trí chỗ nhận đồ ở tầng hầm và lắp camera, cư dân sẽ an tâm. Nếu cần đóng thêm phí, cư dân sẵn sàng bởi hiện nay nhu cầu mua sắm online rất nhiều và không phải lúc nào cũng có người ở nhà để nhận hàng.
Giải pháp cho vấn đề mất đồ
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch Công ty Quản lý Nhà Việt kiêm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, vấn nạn mất đồ giao hàng tại sảnh chung cư đã tồn tại nhiều năm và có thể so sánh với tình trạng mất xe máy ở hầm chung cư. Ông Tuấn nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này là sự thiếu đồng bộ trong quản lý và vận hành tòa nhà.
Tại các chung cư giá rẻ, ban quản lý chỉ đủ kinh phí thuê bảo vệ tại các vị trí quan trọng như cổng ra vào và hầm xe, mà không có người tuần tra xung quanh. Điều này khiến tình trạng mất mát tài sản ngày càng gia tăng. Tình trạng này thậm chí xảy ra cả ở những chung cư cao cấp.
Ông Tuấn gợi ý, các chung cư có thể tổ chức hội nghị cư dân để thống nhất các biện pháp ngăn chặn việc mất mát như lắp đặt tủ đồ thông minh và thu thêm phí dịch vụ để bảo vệ trông giữ đồ. Ngoài ra, xây dựng hệ thống kiểm soát ra vào để chỉ cư dân mới có thể vào tòa nhà cũng là một giải pháp dài hạn để đảm bảo an ninh.
Theo ông Tuấn, việc hợp tác giữa ban quản trị và cư dân để xây dựng thỏa thuận có phí, sẽ giúp việc giao nhận hàng hóa trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết, theo quy định pháp luật, ban quản trị chung cư không có trách nhiệm về việc mất mát tài sản cá nhân của cư dân hoặc đồ gửi tại sảnh. Do nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng, lượng hàng hóa vận chuyển đến chung cư cũng tăng, nhưng BQT không thể bảo quản toàn bộ tài sản này, đặc biệt khi người ra vào chung cư thường xuyên và liên tục.
Sau khi phát hiện các trường hợp trộm đồ, một số chung cư đã ban hành quy định giao/nhận hàng tại quầy lễ tân với thời gian lưu giữ tối đa 24 giờ. Cư dân phải ghi rõ thông tin liên hệ và ngày giờ gửi trên gói hàng và lễ tân từ chối nhận những món hàng dễ hư hỏng, chất lỏng, đồ ăn, hoặc có giá trị cao.
Anh Trần Minh Hưng - thành viên Ban quản lý một chung cư tại Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, tình trạng mất mát đồ gửi của cư dân đã trở nên phổ biến khi dịch vụ giao hàng phát triển mạnh mẽ. Ban quản lý chung cư và lực lượng bảo vệ không có trách nhiệm kiểm soát hay bảo vệ các món hàng, tạo "kẽ hở" cho những kẻ xấu lợi dụng. Để giải quyết vấn đề này, chung cư của anh đã lên kế hoạch lắp đặt tủ đồ miễn phí và camera giám sát tại sảnh chính, đồng thời yêu cầu cư dân xác minh danh tính khi nhận hàng.