Lợi ích của chế độ tiết kiệm pin trên điện thoại thông minh?

Hiện nay, tiết kiệm pin là một tính năng hữu ích để duy trì năng lượng pin lâu nhất có thể và được cài đặt sẵn trên hầu hết các dòng smartphone. Trên thực tế, nhiều người dùng liên tục sử dụng chế độ này thay vì chỉ ở thời điểm pin sắp hết.

Mặc dù, các hãng di động luôn cập nhật xu hướng và không ngừng gia tăng dung lượng pin nhằm tối đa các tác vụ thông tin và liên lạc của người dùng. Nhưng với tần suất sử dụng của giới trẻ ngày nay thì smartphone nhanh cạn kiệt pin là điều không thể tránh khỏi.

co-nen-bat-che-do-tiet-kiem-pin-1-1713607809.jpg
Khi bật chế độ tiết kiệm pin, thời lượng sử dụng sẽ được kéo dài

Khi bật chế độ này thời lượng sử dụng thiết bị sẽ được kéo dài. Theo đó, thiết bị sẽ tự động tắt hoặc hạn chế các ứng dụng, các tính năng tiêu tốn nhiều năng lượng. Chẳng hạn như đồng bộ hóa dữ liệu hay làm mới các ứng dụng trong nền.

Ngoài ra, số lần sạc pin ít hơn cũng góp phần cải thiện tuổi thọ pin dù chất lượng pin sẽ xuống cấp một cách tự nhiên theo thời gian.

Một lợi ích khác nữa khi kích hoạt chế độ tiết kiệm pin là giảm mức sử dụng dữ liệu di động. Bởi lẽ, thiết bị sẽ hạn chế đồng bộ hóa dữ liệu và hoạt động ở chế độ nền nên sẽ tiêu thụ ít dữ liệu hơn. Chính vì vậy, nếu đang sử dụng gói dữ liệu giới hạn thì đây cũng là một lợi thế lớn.

luon-de-che-do-tiet-kiem-pin-co-tot-khong-230413115207-1713607915.jpg
Số lần sạc pin ít hơn cũng góp phần cải thiện tuổi thọ pin

Bên cạnh những lợi ích như đã nêu ở trên thì chế độ tiết kiệm pin vẫn có những điểm không thuận tiện, gây bất lợi cho người dùng như: Màn hình của thiết bị sẽ mờ và khó nhìn hơn, giao diện người dùng có khả năng kém phản hồi hơn. Đồng thời, các ứng dụng và tính năng thiết yếu như thông báo, GPS…có thể không hoạt động theo cách bình thường. Hơn nữa, việc kết nối Internet hoặc các thiết bị khác sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với bình thường. Điểm quan trọng nữa là nếu chế độ này được bật liên tục thì sẽ ngăn các ứng dụng đồng bộ hóa ở chế độ nền. Vì vậy, người dùng có thể bị bỏ lỡ thông tin, cuộc gọi, tin nhắn quan trọng.

co-nen-bat-che-do-tiet-kiem-pin-3-1713608376.jpg
Bật chế độ tiết kiệm pin sẽ làm một số ứng dụng không hoạt động

Theo đánh giá từ một số chuyên gia, mặc dù chế độ tiết kiệm pin có những nhược điểm nhưng có thể chấp nhận được nếu thiết bị sắp hết pin nhưng lại không phù hợp nếu sử dụng khi thiết bị còn đủ pin.

Quyết định có sử dụng chế độ tiết kiệm pin hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của người dùng. Dưới đây là một số trường hợp để người dùng cân nhắc có nên bật chế độ này không?

Trường hợp thứ nhất: Khi thiết bị có pin yếu hoặc tình trạng pin còn dưới 30%. Để tránh việc thiết bị có thể tắt nguồn đột ngột thì người dùng có thể bật chế độ tiết kiệm pin nhưng sau khi sạc xong nên tắt nó đi.

Trường hợp thứ hai: Khi người dùng có một ngày dài di chuyển mà không mang theo sạc điện thoại hoặc pin dự phòng.

Trường hợp thứ ba: Khi muốn sử dụng thiết bị cho công việc hoặc trường hợp khẩn cấp. Việc này giúp người dùng tiết kiệm pin và chỉ duy trì các ứng dụng, tính năng cần thiết nhất.

Chính vì vậy, người dùng nên cân nhắc một số yếu tố trước khi bật chế độ tiết kiệm pin:

Mức độ pin còn lại: Nếu pin của thiết bị còn nhiều thì người dùng có thể cân nhắc sử dụng các mẹo tiết kiệm pin khác

Nhu cầu sử dụng: Nếu người dùng cần sử dụng các chức năng như Bluetooth, GPS…thì không nên sử dụng chế độ này.

Ngoài chế độ tiết kiệm pin, người dùng có thể tham khảo thêm một số mẹo khác như giảm độ sáng màn hình, tắt các ứng dụng chạy nền, tắt định vị GPS nếu không sử dụng, sử dụng Wi-Fi thay vì mạng di động, cập nhật phần mềm thường xuyên…