Lợi nhuận của ByteDance tăng 60% lên 40 tỷ USD nhờ TikTok, vượt xa đối thủ Tencent

Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đã có một năm 2023 đầy tích cực với mức lợi nhuận tăng khoảng 60%, vượt xa mức tăng trưởng của các đối thủ cùng ngành tại Trung Quốc là Tencent Holdings (Tencent) và Alibaba Group Holding (Alibaba).

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao đã tăng lên hơn 40 tỷ USD từ mức 25 tỷ USD vào năm 2022. Công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất thế giới cũng tăng doanh thu lên gần 120 tỷ USD từ mức 80 tỷ USD của năm ngoái.

bytedance-1712825033.jpg
ByteDance đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, vượt qua các đối thủ lâu năm là Tencent.

Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên ByteDance vượt qua đối thủ lâu năm là Tencent cả về doanh thu và lợi nhuận khi tận dụng nền tảng video ngắn phổ biến của mình để mở rộng sang thương mại điện tử quốc tế. Mặc dù các số liệu nội bộ của ByteDance chưa được kiểm toán độc lập, nhưng chúng cho thấy gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội chuyên quảng cáo này đã trở thành một trong những gã khổng lồ công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2023.

Chủ sở hữu TikTok đã củng cố vị thế là một trong những công ty dẫn đầu về internet của Trung Quốc từ năm ngoái. Trong khi đó, Tencent và Alibaba là hai đối thủ lớn nhất của công ty đều đang phải vật lộn để vực dậy tăng trưởng vào thời điểm kinh tế bất ổn và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng ở nước này suy giảm.Tại thị trường nội địa, Douyin (tên gọi của TikTok tại Trung Quốc) đang trở thành một nền tảng “tất cả trong một” giống như WeChat của Tencent, với các tính năng bổ sung nhằm lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử như của Alibaba và cạnh tranh với Meituan về các đơn đặt hàng giao đồ ăn.

Tuy có kết quả kinh doanh đầy khả quan như vậy, ByteDance vẫn quyết định cải tổ lại việc quản lý các hoạt động tại Trung Quốc vào tháng 2. Đầu tiên là Giám đốc điều hành Kelly Zhang từ chức mà không có kế hoạch bổ nhiệm người thay thế.

Việc triển khai thành công TikTok Shop tại các thị trường như Mỹ và Đông Nam Á đã mở ra những nguồn doanh thu mới ngoài hoạt động tiếp thị kỹ thuật số. TikTok đang tìm cách tăng quy mô kinh doanh thương mại điện tử của mình lên gấp 10 lần trong năm nay tại Mỹ, nơi có 170 triệu người dùng.

tik-1712825125.jpg
TikTok - sản phẩm "gà đẻ trứng vàng" của ByteDance đang chịu nhiều sức ép tại Mỹ.

Những nỗ lực của TikTok trong việc chinh phục thị trường tiềm năng là Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn khi hàng loạt những dự luật, đạo luật mới đang được xem xét thông qua trong sự cảnh giác cao đối với nền tảng mạng xã hội Trung Quốc này. Tháng 3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm TikTok, trừ khi ByteDance chấp nhận thoái vốn của mình. Nếu được thông qua ở cấp thượng viện, những khó khăn với TikTok sẽ còn tăng gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại.

Giống như các công ty cùng ngành ở Trung Quốc, ByteDance đã bắt đầu giảm bớt các khoản đầu tư rủi ro trong những tháng gần đây. Công ty đã cắt giảm hàng trăm việc làm tại các đơn vị phát triển trò chơi và phần mềm doanh nghiệp, điều này làm giảm lợi nhuận và phần lớn không thực hiện được lời hứa của họ đối với các nhân viên. Thay vào đó, công ty đang cố gắng bắt kịp AI sáng tạo, xây dựng các chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình.

Việc ByteDance ra mắt thị trường chứng khoán được chờ đợi từ lâu vẫn là một khả năng xa vời khi công ty này đang phải vật lộn với sự giám sát ngày càng cao ở Mỹ. Vào tháng 12, công ty này đã đề nghị mua lại số cổ phiếu trị giá tới 5 tỷ USD từ các nhà đầu tư với mức định giá là 268 tỷ USD. Vào thời kỳ đỉnh cao, ByteDance được định giá hơn 400 tỷ USD trong một số giao dịch tư nhân.