Lừa đảo bán “thần dược” lại “nóng” mạng xã hội

Một trong 5 nội dung cảnh báo lừa đảo vừa được Cục An toàn thông tin phát đi tuần qua, thủ đoạn lừa bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội tiếp tục được quan tâm. Bên cạnh đó, các chiêu thức như dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo”, quảng cáo lừa đảo miễn thị thực cho người có nhu cầu xuất khẩu lao động, du lịch…

Trong nội dung “Điểm tin tuần” vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phát đi tuần qua bao gồm 3 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên môi trường mạng trong nước. Trong đó, một số chiêu thức không mới nhưng lại đang có diễn biến phức tạp gồm thủ đoạn hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo, lừa bán thuốc đặc trị, lừa đảo miễn thị thực du lịch và xuất khẩu lao động… Đây đều là những chiêu thức không mới nhưng vẫn có những người dân mắc bẫy.

Đầu tiên, đối với dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa” trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin cho biết, tuần qua cơ quan này đã nhận được phản ánh của một phụ nữ sống tại Thanh Hóa. Sau khi bị lừa tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, người này đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng lừa cung cấp dịch vụ "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", dẫn đến bị mất thông tin cá nhân và thêm lần nữa bị chiếm đoạt tiền.

canh-giac-dich-vu-lay-lai-tien-bi-lua-1722765096.jpg

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước dịch vụ "lấy lại tiền bị lừa" trên mạng xã hội.

Theo Cục, đây là chiêu lừa không mới và đang tiếp tục xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, đối tượng thường tạo các tài khoản ảo, chạy quảng cáo các bài đăng nội dung "hỗ trợ lấy lại tiền", "cam kết lấy lại được tiền bị lừa". Sau khi có người liên hệ, các đối tượng ngoài tư vấn, sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản phí dịch vụ. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng báo tài khoản bị lỗi, sau đó chặn liên lạc.

Thực tế, chiêu thức này đã có từ lâu, nhưng nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy sau khi đã bị lừa một lần. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tin và không sử dụng dịch vụ các dịch vụ này trên mạng xã hội; đồng thời người dân cũng không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào cho người lạ. Trong trường hợp nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo, hãy báo trực tiếp tới cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý.

Bên cạnh chiêu trò dụ dỗ “lấy lại tiền bị lừa”, mạng xã hội Việt tuần qua cũng ghi nhận sự trở lại của chiêu lừa bán thuốc đặc trị. Cục An toàn thông tin đã nhận được phản ánh của một người dân về việc mua phải thuốc điều trị bệnh xương khớp từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện quân đội. Do tin tưởng vào danh tiếng của bác sĩ, nạn nhân đã đặt mua và sử dụng, tuy nhiên sau khi dùng thuốc này, nạn nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.

ban-thuoc-dac-tri-tren-mang-xa-hoi-1722765096.jpg

Chiêu trò lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng xã hội cũng "nóng" tuần qua.

Theo Cục An toàn thông tin, với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về những loại thuốc "thần dược" với giá cao. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Bên cạnh những đối tượng tự xưng là “nhân viên tư vấn”, sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.

Cục An toàn thông tin khuyên người dân mua thuốc qua mạng xã hội, nhất là các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc. Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để được thăm khám và mua thuốc theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ; cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng; tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy.

Thứ ba là thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch được miễn thị thực. Thủ đoạn này dựa trên nhu cầu đi lao động nước ngoài, đi du lịch của người dân. Cục An toàn thông tin cho biết, mới đây một đối tượng đã tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng đã chiếm đoạt hơn 747 triệu đồng của 10 người.

Sau khi thông qua mạng xã hội, đối tượng lừa đảo đã mời chào nạn nhân với hứa hẹn cấp visa trong thời gian rất ngắn hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình làm visa của một bộ phận người dân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin không cần thiết, hay yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng. Ngoài ra, để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, đối tượng còn truy cập vào website bán vé máy bay, nhập thông tin cá nhân của nạn nhân để đăng ký mua vé và chụp lại hình ảnh gửi cho nạn nhân để tạo niềm tin.

lua-dao-xuat-khau-lao-dong-1722765096.jpg

Nhiều người tiếp tục mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần kiểm tra tính xác thực và thông tin của đối tượng, công ty dịch vụ mà mình liên hệ; không truy cập vào những đường link lạ; chủ động tìm kiếm và truy cập vào website cơ quan lãnh sự, đại sứ quán hoặc các tổ chức chính thức để tìm hiểu quy trình làm visa; không tin vào các dịch vụ hứa hẹn cấp visa nhanh. Trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cáo về dịch vụ, website nghi ngờ cho cơ quan chức năng để giúp ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Đối với các hình thức lừa đảo trực tuyến có thể ảnh hưởng tới các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, Cục An toàn thông tin cũng nêu nổi bật chiêu lợi dụng công cụ bản quyền thương hiệu để lừa đảo, tống tiền và giả mạo các sàn thương mại điện tử để gửi email tới người dùng với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau.

lua-dao-mang-1722765332.jpg

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, cần cảnh giác trước các tin nhắn lạ; không truy cập vào các đường dẫn, không cung cấp dữ liệu cá nhân và thông tin ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo mạng.