Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, mới đây đơn vị đã nhận được phản ánh từ phía chủ đầu tư dự án QMS TOP TOWER (Hà Nội) về việc phát hiện có 2 vụ lừa đảo khách hàng quan tâm tới căn hộ chung cư dự án. Đã có 2 trường hợp thực hiện xong bước 2 của chiêu lừa đảo. Rất may mắn do chủ đầu tư kịp thời phát hiện nên đã không cho phép khách hàng tự chuyển tiền vào căn hộ không có đăng ký với chủ đầu tư và đơn vị phân phối nên kế hoạch lừa đảo bước 3 của kẻ xấu đã được ngăn chặn kịp thời.
Theo đó, những kẻ lừa đảo thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo để đăng tải các thông tin sai sự thật như rao bán các suất ngoại giao rẻ hơn mua từ phía chủ đầu tư với chiết khấu sâu lên đến 30% hợp đồng mua bán. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ nói khách hàng chuyển tiền đặt cọc bất cứ căn hộ nào mà họ thích vào tài khoản của chủ đầu tư, từ đó tạo ra niềm tin của khách hàng.
Bước cuối cùng, chúng sẽ yêu cầu đưa trước 300 triệu trước khi được đưa đến chủ đầu tư để ký hợp đồng. Vì nghĩ rằng sẽ được mua nhà giá hời theo “suất ngoại giao” nên người mua sẵn sàng quan chuyển khoản số tiền kể trên trước khi được đưa đến ký hợp đồng mua bán. Nếu khách hàng chuyển tiền, kẻ lừa đảo sẽ mất hút còn khách hàng cũng nghiễm nhiên mất toàn bộ số tiền đã chuyển đi.
Cục An toàn thông tin đặc biệt khuyến cáo người dân, nhất là những người đang quan tâm đến các khoản đầu tư bất động sản, nên đặc biệt cẩn trọng với các dịch vụ mua bán thông qua mạng xã hội. Không nên chuyển tiền/giao tiền cho bất kỳ ai khi chưa có xác nhận chấp thuận số căn hộ từ chủ đầu tư hoặc thông báo từ đối tác bán hàng cho chủ đầu tư. Càng không được chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác nhận rõ ràng danh tính của đối tượng, tổ chức và doanh nghiệp.
Cũng trong tuần qua, theo Cục An toàn thông tin, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong cả nước cũng đã trở thành nạn nhân bị các tội phạm lừa đảo giả mạo, lợi dụng danh tiếng để chiếm đoạt tài sản từ những người không rành. Chỉ trong 2 tuần từ 29/7/2024 đến 11/8/2024, hệ thống thông tin cảnh báo của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận hơn 2.000 phản ánh của người dân về các trường hợp lừa đảo.
Một số trường hợp tiêu biểu như đối với hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu đã bị lập các fangpage giả mạo, kêu gọi người dùng mạng xã hội cho con em đăng ký các cuộc thi “do trường tổ chức” và tìm cách chiếm đoạt tài sản từ phụ huynh. Đây là hình thức lừa đảo không mới nhưng vẫn tiếp tục nhức nhối không gian mạng thời gian qua.
Theo cục An toàn thông tin, các đối tượng lừa đảo thường lập nhiều website, fanpage mạng xã hội, sử dụng các thông tin, bài đăng của doanh nghiệp, tổ chức, đăng xen lẫn với các nội dung lừa đảo. Với chiêu thức sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi vài ký tự, chúng dễ dàng đưa các nạn nhân vào bẫy.
Vì vậy, người dân khi có nhu cầu tham gia các cuộc thi trên mạng xã hội cần đặc biệt cẩn trọng, tìm hiểu thông tin, xác minh tính xác thực của các email, website bằng cách kiểm tra địa chỉ URL, liên hệ trực tiếp qua các kênh chính thức của tổ chức, doanh nghiệp… đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức cho người lạ.