Lừa đảo tình cảm trên mạng “thổi bay” 1,14 tỷ USD của người Mỹ trong năm 2023

Theo Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ, năm 2023, người tiêu dùng nước này đã mất tới 1,14 tỷ USD vì lừa đảo tình cảm. Tội phạm mạng đang nhắm vào các tài khoản giàu có bằng cách khai thác cảm xúc của nạn nhân.

Tracy Kitten, Giám đốc bộ phận chống gian lận và an ninh tại Javelin Strategy & Research, một công ty dịch vụ nghiên cứu tài chính, giải thích rằng "lừa đảo tình cảm" chính là xây dựng mối quan hệ và lòng tin với nạn nhân để đạt được mục tiêu tự nguyện cung cấp quyền truy cập vào tài khoản hoặc chuyển tiền cho tội phạm.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), người tiêu dùng nước này đã mất 1,14 tỷ USD vì bị lừa đảo tình cảm vào năm 2023. FTC phát hiện ra rằng mức tổn thất trung bình cho mỗi người là 2.000 USD, mức tổn thất cao nhất được báo cáo đối với bất kỳ hình thức lừa đảo mạo danh nào.

“Những trò lừa đảo tình cảm thường là một trong những trò gian lận tinh vi nhất vì chúng lợi dụng cảm xúc”, Kitten nói.

lua-dao-tinh-cam-mang-1720134990.jpg
Lừa đảo tình cảm đã "thổi bay" 1,14 triệu USD của người Mỹ năm 2023.

Theresa Payton, cựu Giám đốc Thông tin Nhà Trắng, hiện là Giám đốc Điều hành của công ty an ninh mạng Fortalice Solutions cho biết: “Điều mọi người cần nhận ra là những kẻ đứng sau các vụ lừa đảo có thể dạy cho chúng ta một bài học về hành vi con người. Chúng (tội phạm lừa đảo) biết những điểm kích hoạt cảm xúc khác nhau của mỗi người và đó chính là lúc nạn nhân bị tấn công”.

Những kẻ lừa đảo tạo cho nạn nhân nghĩ rằng họ là người lý tưởng của mình. Theo thời gian, tội phạm sẽ phát triển mối quan hệ với nạn nhân. Một khi đã tạo dựng được lòng tin, nạn nhân có thể dễ dàng bị thuyết phục gửi tiền, cung cấp quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng và trong một số trường hợp, thậm chí rửa tiền cho tội phạm.

Theo Javelin, khoảng 22% cố vấn tài chính được khảo sát cho biết có khách hàng bị ảnh hưởng bởi gian lận và trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tình cảm. Cuộc khảo sát đã tiến hành với 1.500 cố vấn tài chính vào tháng 7 năm 2023.

Kitten cho biết tội phạm mạng thường tiếp cận và phát triển mối quan hệ thông qua các nền tảng mạng xã hội . Đây thực sự là cách dễ dàng để chúng lừa nạn nhân vì không có sự tiếp xúc trực tiếp nào cả.

FTC phát hiện khoảng 40% số người cho biết họ bị mất tiền vì trò lừa đảo tình cảm vào năm 2022 từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.

Theo dữ liệu của Javelin khi thăm dò 5.000 hộ gia đình tại Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2022 thì  khoảng 73% người tiêu dùng là nạn nhân của trò lừa đảo tình cảm là nam giới.

“Ngay cả khi bạn không có dấu ấn lớn trên mạng xã hội, các điểm dữ liệu của bạn vẫn có thể bị lộ và kẻ lừa đảo sẽ nắm bắt để tấn công”, Payton của Fortalice Solutions cho biết

Có nhiều cách để phát hiện kẻ lừa đảo tình cảm có nhắm vào bạn hay không. Trong đó, dấu hiệu cảnh báo lớn nhất là các yêu cầu liên quan tiền bạc.

Dấu hiệu đầu tiên là những tin nhắn văn bản không mong muốn: Kẻ lừa đảo có thể sử dụng bot tiếp cận hàng trăm người cùng một lúc thông qua số điện thoại di động, địa chỉ email và tài khoản mạng xã hội. Một số tin nhắn chỉ đơn giản là “xin chào”. “Chỉ cần một người cắn câu là đủ”, cô nói.

Dấu hiệu thứ hai là… “quá tốt” để có thể là sự thật: Nếu người đó đột nhiên quan tâm đến những điều giống bạn và muốn tiếp tục cuộc trò chuyện trên một nền tảng nhắn tin trực tiếp khác, thì đó có thể là một dấu hiệu đáng ngờ khác.

Thứ ba là từ chối gặp mặt trực tiếp: Kẻ lừa đảo sẽ đưa ra lý do không muốn gặp mặt ngoài đời thực. Tuy nhiên, đôi khi có thể xảy ra trường hợp ngược lại: Kẻ lừa đảo có thể yêu cầu bạn tiền tàu xe đi lại để đến gặp bạn.

Thứ tư là cố gắng cô lập: Kẻ lừa đảo có thể ngăn cản bạn nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè có mối liên quan.

Thứ năm là chiến thuật gây sức ép: Nếu đối tượng mới liên tục thúc ép bạn duy trì mối quan hệ, hãy yêu cầu họ cung cấp tiền hoặc thông tin tài chính.

Kitten cho biết, trong những vụ lừa đảo kéo dài này, nạn nhân thường khó nhận ra rằng họ đã bị lừa đảo vì “họ tin tưởng người đang thao túng họ”.

Các cố vấn tài chính có thể giúp khách hàng bằng cách giáo dục họ về tội phạm mạng như thế nào và cũng cần thời gian để giúp nạn nhân hiểu khi họ bị lừa đảo.

romance-scam-artwork-1600x675-1720135274.jpg
Hãy cẩn trọng tìm hiểu thông tin về các mối quan hệ bắt nguồn từ mạng xã hội.

Theo Payton, dưới đây là năm điều người dùng mạng xã hội có thể kiểm tra về “nhân cách” của đối tượng quen biết qua mạng xã hội:

Thứ nhất: Tìm kiếm ngược hình ảnh. Sử dụng công cụ tìm kiếm ngược hình ảnh trực tuyến để xác minh hình ảnh mà kẻ lừa đảo tiềm năng đang sử dụng.

Thứ hai, xem xét cài đặt quyền riêng tư của bạn: Hãy chú ý đến thông tin bạn chia sẻ trên mạng xã hội.

Thứ ba, nếu bạn gặp ai đó, hãy dành thời gian để hỏi thăm về lý lịch của họ, theo dõi những gì họ nói và tìm kiếm sự không nhất quán.

Thứ tư, tránh các giao dịch tài chính. Không gửi thông tin tài chính hoặc tiền cho người đó ngay khi được yêu cầu. Hãy nói chuyện với gia đình, bạn bè, cố vấn đáng tin cậy và nhân viên ngân hàng về tình hình.

Thứ năm, hãy hẹn gặp nhau ở nơi công cộng: Yêu cầu gặp họ trực tiếp ở nơi công cộng hoặc gần đồn cảnh sát. Nếu họ hành động “mơ hồ”, bạn sẽ có câu trả lời cho mình.