Thống kê mới nhất của Cục Dân số cho thấy, Việt Nam vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân cũng đã được nâng cao đạt 73,7 tuổi (năm 2023). Đáng lưu ý, Việt Nam đã giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua, đồng thời tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới. Tầm vóc, thể lực người dân có bước cải thiện.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng gia đình hạnh phúc, Bộ Y tế đang xin ý kiến về việc luật hóa quy định khám sức khỏe tiền hôn nhân trong dự thảo Luật Dân số. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2026.
Theo đó, nam nữ trước khi kết hôn và người muốn sinh con sẽ được tư vấn, khám sức khỏe, hướng dẫn phòng ngừa và phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng đến sinh sản. Người thuộc diện chính sách, vùng khó khăn được hỗ trợ chi phí khám.
Những trường hợp bắt buộc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh gồm: Vợ chồng cận huyết thống; người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; phụ nữ tiền sử có con bị bệnh, tật bẩm sinh, gia đình người mẹ hoặc chồng đã xác định bị bệnh, tật bẩm sinh; người có nguy cơ cao sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh (như phụ nữ từ 35 tuổi); người có tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sử dụng thuốc độc hại cho thai nhi hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giảm thiểu tỷ lệ vô sinh, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh; phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm; di truyền; tạo điều kiện cho việc mang thai và sinh con khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số; góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Phòng ngừa từ sớm, tránh sinh ra con bị dị tật sẽ giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước, gia đình và xã hội trong điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trước khi bước vào một cuộc hôn nhân, việc quan trọng nhất không chỉ chuẩn bị tinh thần mà còn bảo đảm sức khỏe vững mạnh. Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp xác định tình trạng sức khỏe của hai người phối ngẫu, tạo nền tảng cho một hành trình hạnh phúc và bền vững.
Hiện nay, các cặp đôi khi quyết định tiến đến kết hôn thường chuẩn bị rất nhiều thứ như chụp hình cưới ra sao, tổ chức đám cưới ở đâu và thế nào... đều được lên kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ. Tuy nhiên, họ thường quên mất điều quan trọng và cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đó là kiểm tra sức khỏe đôi bên trước hôn nhân.
Trong kỳ họp Quốc hội vào cuối năm 2023, bác sĩ Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nay là Thứ trưởng Y tế) cho hay, khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp biết trước về khả năng sinh sản của người vợ và người chồng. Từ kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân đặc biệt quan trọng với các cặp đôi có kế hoạch sinh con. Việc kiểm tra khả năng sinh sản, xác định vấn đề hay các yếu tố ảnh hưởng đến thai nghén đều giúp tạo ra kế hoạch hợp lý và giảm thiểu rủi ro trong quá trình mang thai, sinh con.