Năm 2022, ông Nguyễn Văn Núi (ngụ quận 3, TP. HCM) nghỉ hưu. Có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội nên ông Núi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định. Lương hưu ông Núi được nhận là gần 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sống tại đô thị phồn hoa lớn bậc nhất cả nước là TP. HCM, số tiền gần 4 triệu/tháng không đủ để ông chi tiêu cho bản thân.
Vậy nên ông Núi phải xin làm thêm dưới hình thức ký kết hợp đồng lao động thời vụ cho một công ty tại quận 3 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ông Núi bảo, ông lớn tuổi rồi nên đành chấp nhận đi làm với mức lương thấp so với mặt bằng chung thị trường lao động. Lương hưu cộng với tiền lương làm thời vụ được gần 10 triệu đồng/tháng mới đủ để ông sống được ở thành phố.
Bà Trần Thị Thảo (ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) cũng nhận lương hưu gần 4 triệu. Bà chia sẻ, dù bà có tằn tiệm thì cũng không đủ chi phí sinh hoạt. Bà Thảo kể, lương công nhân thấp nên dù đã bám trụ tại TP. HCM mấy chục năm, gia đình bà vẫn phải đi thuê nhà trọ. Từ ngày nghỉ hưu, bà nhận thêm công việc dọn dẹp theo giờ cho một số gia đình. Tiền làm thêm, cộng với tiền lương đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình.
Tại TP. HCM hiện có nhiều công nhân, người lao động, viên chức chung lo lắng khi nghỉ hưu, lương hưu không đủ để trang trải cuộc sống. Chị Phạm Thùy H. (công nhân tại TP. HCM) cho biết, công ty đóng bảo hiểm xã hội cho chị dựa trên mức lương 5,4 triệu đồng/tháng.
Chị H. lo ngại đến lúc nghỉ hưu, dù đạt được mức tối đa 75% của trung bình lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thì số tiền hưu này cũng ít ỏi. Nếu muốn cuộc sống ở thành phố vẫn ổn định như khi còn đi làm thì phải làm thêm một công việc nào đó nữa. Chị H. tính toán, sau nghỉ việc, cùng với lương hưu thì mở thêm cửa hàng tạp hóa hoặc quán cà phê nhỏ để kinh doanh sẽ dễ sống hơn.
Trước những lo lắng này của người lao động, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, từ ngày 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, tương ứng tăng từ 2.055.000 đồng/tháng lên 2.655.000 đồng/tháng; tăng trợ cấp xã hội lên 38,9%, tương đương tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.
Với thông tin lương hưu điều chỉnh tăng từ ngày 1/7 năm nay, ông Núi và bạn bè, người quen đều kỳ vọng mức lương hưu thêm được ít nhất 15%. Ông Núi chia sẻ, mức sống ở TP. HCM quá đắt đỏ. Giá cả thị trường ngày càng leo thang, lương hưu hiện tại không đủ sống. Ông rất mong lương hưu tăng cao để những người già như ông không phải vất vả đi làm thêm.
Ông Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường và Truyền thông quốc tế đánh giá, đề xuất mức lương hưu cần tăng tối thiểu 15% của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là rất phù hợp và kịp thời trong bối cảnh giá cả thị trường ngày càng leo thang. Tuy nhiên, để giảm bớt sự chênh lệch lương hưu giữa các thời điểm cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu.
Cũng theo ông Sơn, điều chỉnh lương hưu kịp thời là cách để ngăn chặn, giảm bớt tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Mục đích của việc tham gia bảo hiểm xã hội là để đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài khi hết tuổi lao động. Nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là gánh nặng cho đảm bảo an sinh xã hội sau này. “Chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo người lao động không nên rút BHXH một lần để không bị mất nhiều quyền lợi", ông Sơn nhấn mạnh.