Lương thấp, phí sinh hoạt cao, công nhân đứng giữa tăng ca hay về quê

Lương thấp trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên công nhân, người lao động phải làm thêm nhiều nghề mới đủ sống. Lại có nhiều người lựa chọn rời thành phố về quê tìm việc, mong sự ổn định lâu dài.

Chị Phan Thị Kiều Nhi (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) sau mỗi ngày hết giờ làm ở công ty, lại tranh thủ đăng bài bán hàng online để tăng thêm thu nhập, chuẩn bị chi phí năm học mới cho con. Chị Nhi chia sẻ, thu nhập của vợ chồng chị khoảng 13 triệu đồng, lo sinh hoạt cho 4 người.

Hai con của chị chuẩn bị vào đầu cấp nên chi phí sách vở, học phí cũng nhiều hơn. Do đó, cứ ngày nghỉ thì chồng chị chạy xe ôm, còn chị thì tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi để bán hàng online.

lao-dong-1719060706.jpg
Nhiều công nhân cặm cụi làm thêm đủ nghề mới đủ sống (Ảnh: XH)

Chị Nguyễn Thị Cẩm (công nhân khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ) rời quê lên thành phố làm công nhân đã 4 năm. Với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, chị phải xoay sở chật vật, chi tiêu tằn tiện mà vẫn không đủ sống.

Chị Cẩm cho biết, tổng thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 9 triệu đồng/tháng. Số tiền này chia thành 2 khoản: 4 triệu đồng nuôi con ở quê, còn lại dùng để chi trả tiền thuê nhà, ăn uống hàng ngày của hai vợ chồng. Tiền thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống, xăng… cứ lần lượt tăng nên chi phí sinh hoạt cũng theo đó đội lên. Tháng nào chi tiêu vượt mức, vợ chồng chị lại phải vay tiền đồng nghiệp xoay sở.

Chị Nguyễn Thị Đến (công nhân khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang) cũng chia sẻ, mức lương cơ bản của chị gần 4,5 triệu đồng, cộng thêm tăng ca 2 giờ mỗi ngày, thì một tháng được gần 7 triệu đồng. Thu nhập của chị là chính trong gia đình nên mỗi khi mua sắm vật dụng gì chị đều phải đắn đo rất kĩ, nếu vung tay quá trán thì sẽ có bữa đói, bữa no.

Chị Đến bảo, bù công việc vất vả, tăng ca về muộn khiến bản thân mệt mỏi, nhưng muốn cuộc sống cải thiện hơn chị vẫn tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để đi làm thêm.

lao-dong-1-1719060806.jpg
Chị Khái nhận làm gia công khóa để có thêm thu nhập (Ảnh: Hồng Đào)

Trong căn phòng diện tích chưa đến 15m2 quận 12 (TP. HCM), chị Lê Thị Khái (SN 1978, quê Bình Định) và chồng cặm cụi gia công dây khóa kéo. Hoàn thành 1.000 sản phẩm mỗi ngày, họ có thể kiếm được 40.000 đồng. Trước đây, chị Khái là công nhân may của một doanh nghiệp trên địa bàn quận 12. Tháng 7/2023, do không có đơn hàng nên công ty phải giải thể, chị cũng rơi vào cảnh mất việc.

Mấy tháng trước, chồng chị cũng mất việc vì công ty dời trụ sở đi nơi khác. Chi tiêu hàng ngày của 4 thành viên trong gia đình trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp của chồng chị, cùng nguồn thu nhập từ việc gia công khóa kéo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - chủ một khu trọ ở phường Tân Tạo A (TP. HCM) cho biết, thời gian qua, ở khu trọ của bà cũng như vài khu xung quanh, có nhiều công nhân mất việc, thiếu việc làm. Để có thêm chút tiền, họ nhận hàng gia công, như việc xếp áo mưa 1.000 cái được 100.000 đồng. Nhưng hàng cũng không có thường xuyên nên dù bị "ép giá", họ vẫn nhận.

Chị Ngô Thị Thu Ly (27 tuổi, quê TP. Huế) quyết định cuối tháng này sẽ rời TP. HCM để về quê tìm việc. Trong căn phòng trọ nhỏ nóng như đổ lửa, chị Ly chia sẻ, chị đã trải qua nhiều công việc từ chính thức đến thời vụ. Tuy vậy, công việc bấp bênh, lúc có lúc không nên chị chưa trụ lại được chỗ nào quá nửa năm dù rất cố gắng.

Trước đây, chị trụ lại thành phố vì mong sẽ tìm được việc làm phù hợp với tấm bằng cao đẳng. Nhưng rồi áp lực kinh tế, chị đành làm công nhân từ đó đến nay. Sau 2 năm, chị cảm thấy càng ở lại càng thêm khó khăn, có lẽ về quê sẽ tốt hơn. Ở quê, tuy thu nhập thấp nhưng chi phí sinh hoạt cũng thấp nên sẽ ổn định hơn.

Anh Phạm Thanh Tình (34 tuổi, quê Quảng Nam) cũng quyết định rời TP. HCM sau một thời gian làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Anh Tình chia sẻ, làm ở đây anh quen rồi nhưng vẫn phải về quê vì mọi thứ bấp bênh quá. Thu nhập thất thường không lo nổi tiền trọ, sinh hoạt cho gia đình 4 người. Nếu ráng làm thêm 2 -3 việc cùng lúc thì may ra đủ nhưng như vậy không đảm bảo sức khỏe.

Còn chị Nguyễn Thanh Ngọc (29 tuổi, quê Lâm Đồng) cũng đã rời TP. HCM được 1 năm. Chị Ngọc cho hay, chị rời thành phố về quê vì muốn tìm sự ổn định lâu dài. Với số vốn dành dụm nhiều năm làm công nhân, chị về quê mở quán cà phê kết hợp trồng hoa, cây ăn trái.