Theo đó, Google lý giải nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ mức tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu và lượng khí thải cung ứng tăng lên.
Google cho biết, mục tiêu mà họ hướng tới trước đó là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 sẽ “cực kỳ tham vọng”. Google có thể bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn xung quanh tác động môi trường trong tương lai của AI, điều vốn rất phức tạp và khó dự đoán. Nói khác đi, nỗ lực thúc đẩy tính bền vững của Google đã trở nên phức tạp hơn vì AI.
Các hệ thống AI cần rất nhiều máy tính để hoạt động. Bởi lẽ, các trung tâm dữ liệu cần chúng để vận hành, đồng thời kho chứa thiết bị tính toán sẽ tiêu thụ hàng tấn năng lượng để xử lý dữ liệu và quản lý nhiệt lượng.
Thực tế đã chứng minh, cả Google cũng như các đối thủ công nghệ khác đã và đang dồn sức tập trung đầu tư vào AI, đây cũng có thể coi là cuộc cách mạng công nghệ lớn tiếp theo làm thay đổi cách chúng ta đang sống, làm việc và tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn như việc Google đã tích hợp AI tạo sinh vào Gemini và một số sản phẩm cốt lõi khác của hãng.
Tuy nhiên, AI cũng tồn tại những nhược điểm như các trung tâm dữ liệu ngốn nhiều năng lượng mà Google và các đối thủ Big Tech khác hiện đang chi hàng chục tỷ USD mỗi quý để mở rộng và hiện thực hóa tham vọng của mình.
Theo ước tính từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì một truy vấn tìm kiếm của Google cần trung bình 0,3 watt giờ điện, trong khi yêu cầu ChatGPT thường tiêu thụ khoảng 2,9 watt giờ.
Nhà nghiên cứu người Hà Lan Alex de Vries đã ước tính rằng trong trường hợp xấu nhất thì hệ thống AI của Google có thể tiêu thụ lượng điện tương đương với một quốc gia như Ireland mỗi năm với giả thuyết việc áp dụng AI trên quy mô toàn diện trong phần cứng và phần mềm hiện tại của hãng này.
Google cho biết trong báo cáo mới được công bố: Khi chúng tôi tích hợp AI nhiều hơn vào sản phẩm của mình thì việc giảm lượng khí thải có thể gặp khó khăn do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và cường độ tính toán AI cao hơn. Đồng thời, còn có sự ảnh hưởng từ lượng khí thải liên quan đến sự gia tăng dự kiến trong đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của chúng tôi. Ngoài ra, mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu hiện đang tăng nhanh hơn mức có thể để cung cấp các nguồn điện không có carbon trực tuyến.
Google cũng nói thêm rằng họ dự kiến tổng lượng khí thải nhà kính sẽ tiếp tục tăng trước khi Google tìm cách đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và địa nhiệt. Bên cạnh đó, ông lớn công nghệ cũng đặt mục tiêu bổ sung 120% lượng nước ngọt tiêu thụ trong các văn phòng và trung tâm dữ liệu của mình vào năm 2030.
Được biết, Google hiện nằm trong số các công ty đang thử nghiệm cách sử dụng AI để chống biến đổi khí hậu. Ví dụ như dự án Google DeepMind năm 2019 đã đào tạo mô hình AI về dự báo thời tiết và dữ liệu lịch sử về tuabin gió để dự đoán khả năng sẵn có của năng lượng gió. Thêm nữa, Google còn sử dụng AI để đề xuất các tuyến đường tiết kiệm nhiên liệu hơn cho người lái thông qua Google Maps.