Mạng xã hội khuếch đại tin giả: Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa tương ứng với từng hành vi

Với sự khuếch đại của mạng xã hội như Facebook, TikTok…, chỉ một mẩu tin giả cũng nhanh chóng trở thành một làn sóng công kích, nhục mạ cá nhân, tổ chức, gây nhiều hệ luỵ tiêu cực với nạn nhân cũng như xã hội.

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao về thông tin nữ nhân viên công ty ở Thái Nguyên bị HIV và lây truyền cho hàng chục người khác. Ngay sau khi thông tin này đăng tải đã thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ trên khắp các diễn đàn, tài khoản mạng xã hội.

Cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc xác minh và khẳng định thông tin trên là thất thiệt. Nữ nạn nhân cũng lên tiếng, người đăng tải thông tin này cũng bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải, phát tán thông tin giả. Mọi việc tạm lắng xuống, nhưng cuộc sống của nạn nhân vẫn bị đảo lộn, nữ nhân viên vẫn nhận rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn hàng ngày.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM để làm rõ hơn nguyên nhân cũng như giải pháp ứng phó.

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, Facebook…, tin giả, tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức ngày càng phức tạp. Ví dụ mới nhất là thông tin nữ công nhân Samsung lây lan HIV cho nhiều người. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng nguy hiểm này và hệ luỵ là gì?

Luật sư Trần Minh Hùng: Thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.

Trong đó, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…

ss-1-1722098960.jpg

Bịa đặt thông tin nữ nhân viên lây lan HIV cho nhiều người

Lý do tin giả, tin xấu độc có “đất” sống là bởi các quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi phát tán các tin giả, tin sai sự thật và xấu độc trên mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh mạng chưa hoàn chỉnh, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đồng thời việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cũng đang chịu nhiều tác động bên ngoài…

Theo ông vì sao tin giả hoành hành, khó ngăn chặn? Mức xử phạt với hành vi liệu đã tương xứng?

Luật sư Trần Minh Hùng: Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy…

Thực tế, mức tiền phạt hành chính này đối với người dân bình thường cũng có tác động, nhưng với một số người, như người nổi tiếng, nghệ sỹ, KOLs, người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội thì mức phạt này lại nhỏ hơn nhiều và chưa đủ mức răn đe. Theo đó, không ít người sẵn sàng dùng chiêu trò câu view để bán được nhiều hàng hóa hơn…

Hơn nữa tình trạng này diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Mặc dù năm nào cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng do không có chế tài đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra.

Xin ông gợi ý một số giải pháp để hạn chế tình trạng tung tin thất thiệt, tin giả nhằm xúc phạm cá nhân, tổ chức?

Luật sư Trần Minh Hùng: Tôi cho rằng cần tăng cường ứng dụng công nghệ để rà quét, phân tích dữ liệu, kiên quyết đấu tranh yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok… để ngăn chặn, gỡ bỏ tin giả, thông tin xấu độc vi phạm pháp luật Việt Nam.

ss-2-1722099042.jpg

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Ngoài ra, phát triển hiệu quả hệ thống các đường dây nóng, các phương tiện công nghệ thông tin như email, ứng dụng tin nhắn trên mạng xã hội để phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm và có biện pháp xử lý; định danh được người sử dụng và cân bằng tỷ lệ người sử dụng với mạng xã hội nước ngoài; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng

Hiện nay trong hệ thống pháp luật, chế tài xử lý tin giả, thông tin sai sự thật đang nằm rải rác ở trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có luật về chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành Luật Chống tin giả, thông tin sai sự thật để áp dụng các biện pháp, chế tài đủ mạnh, đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe.

Về chế tài hành chính xử lý, hiện nay, mức xử phạt chưa tương xứng, còn áp dụng chung, chưa phân hóa xử lý mạnh tay đối với những hành vi cố tình bịa đặt, lan truyền thông tin sai sự thật, vì lợi ích kinh tế, tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức (tạo scandal, câu view, câu like) để bán hàng, thu lợi bất chính. Do đó, chưa đủ mạnh để răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

Ngoài ra, tình trạng phát hiện, xử phạt chưa kịp thời cũng là vấn đề cần xem xét, vì nếu không quyết liệt xử lý sẽ dẫn đến các đối tượng vi phạm coi thường luật pháp, bất chấp vì lợi ích nào đó mà vẫn vi phạm.

Mới đây, cơ quan chức năng đề xuất người sử dụng mạng xã hội phải xác thực danh tính. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Luật sư Trần Minh Hùng: Thực tế, nhu cầu ẩn danh để tương tác là nhu cầu thực, có từ lâu trước khi Internet phát triển và việc xóa bỏ tính ẩn danh vô cùng khó, đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ đến người dùng.

Tuy nhiên, tại Điểm a Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet tại Việt Nam có trách nhiệm "xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số" và "cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".

Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.

Thực tế, để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, thì việc bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội là cần thiết.

ss-4-1722099041.jpg

Chuyên gia cho rằng cần mạnh tay hơn với tin giả, tin sai sự thật, vu khống cá nhân, tổ chức

Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.

Hơn nữa, việc định danh tài khoản mạng xã hội là việc làm rất cần thiết để giảm bớt đi thực trạng dùng tài khoản ẩn danh công kích, chửi bới người khác, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng mạng văn minh. Đồng thời, người dùng sẽ có trách nhiệm hơn với những câu từ khi bình luận trên mạng xã hội.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia, theo ông cần giải pháp gì để nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp nhân dân?

Luật sư Trần Minh Hùng: Không ít người tham gia mạng xã hội vẫn còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, thiếu kiến thức nền tảng về sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin nên dẫn đến việc họ cố tình hoặc vô ý tạo hoặc tiếp sức cho việc tạo ra, lan truyền và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật.

Vì vậy, cần có nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, quy định xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật và cách phòng tránh… để người tham gia mạng xã hội nắm được, xây dựng lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, nêu gương sáng, việc tốt để lan tỏa các nội dung lành mạng trên môi trường mạng xã hội.

Xin cảm ơn ông!