Meta đối diện nguy cơ bị buộc tội ở EU vì chương trình “pay or consent”

Mô hình “pay or consent” (trả tiền hoặc đồng ý) của Meta đang gây ra những lo ngại đối với cơ quan quản lý châu Âu. Công ty này đang phải đối diện với nguy cơ bị buộc tội do vi phạm quy tắc kỹ thuật số của Khối với mức phạt có thể lên đến 10-20% doanh thu toàn cầu.

Ủy ban Châu Âu - cơ quan điều hành của EU, đang thực hiện các quyền hạn mới được trao theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) — luật nhằm cải thiện sự lựa chọn của người tiêu dùng và mở ra thị trường cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực cùng phát triển. Các gã khổng lồ công nghệ đã phải tuân thủ quy định mới của Đạo luật từ tháng 3 năm nay. 

Những kết quả sơ bộ của cuộc điều tra từ Liên minh châu Âu với Meta dự kiến sẽ được công bố ngay trong tuần này. Theo các cơ quan quản ý, họ e ngại về mô hình “pay or consent” (Trả phí hoặc đồng ý) của công ty mạng xã hội này sẽ ảnh hưởng không chỉ tới người dùng mà còn có thể là tấm gương xấu cho các công ty khác.

meta-pay-or-okay-header-5-11-1719829784.png

Meta tiếp tục bị cơ quan chức năng châu Âu "sờ gáy" liên quan tới chính sách trả tiền hoặc đồng ý cho sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng phục vụ mục đích quảng cáo.

Meta đã ra mắt dịch vụ đăng ký không có quảng cáo cho Facebook và Instagram ở châu Âu vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó, những người đồng ý trả tiền cho công ty sẽ không phải xem quảng cáo, không phải chia sẻ dữ liệu cá nhân.

Cơ quan quản lý châu Âu e ngại, các lựa chọn của Meta có thể khiến người dùng quyết định sai lầm. Việc phải đóng phí sẽ khiến nhiều người đồng ý cho phép dữ liệu cá nhân của mình được theo dõi phục vụ mục đích quảng cáo.

Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ của EU, cho biết: “Quan điểm sơ bộ của chúng tôi là mô hình kinh doanh “trả tiền hoặc chấp thuận” của Meta đã vi phạm DMA. DMA có mặt để trao lại cho người dùng quyền quyết định cách sử dụng dữ liệu của họ và đảm bảo các công ty đổi mới có thể cạnh tranh bình đẳng với những gã khổng lồ công nghệ về quyền truy cập dữ liệu".

Về vấn đề này, Meta cho biết trong một tuyên bố: “Đăng ký không có quảng cáo tuân theo chỉ đạo của tòa án tối cao ở Châu Âu và tuân thủ DMA. Chúng tôi mong muốn có thêm cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Ủy ban Châu Âu để kết thúc cuộc điều tra này".

Nếu bị phát hiện vi phạm luật, Meta sẽ phải đối mặt với mức phạt nặng lên tới 10% doanh thu toàn cầu và lên tới 20% cho bất kỳ hành vi tái phạm nào. Các phát hiện sơ bộ của EU phải được hoàn thiện trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra chính thức vào tháng 3.

Trước đó, tháng 4/2024, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) cũng đã đưa ra quyết định cấm Meta yêu cầu người dùng Facebook, Insatgram phải trả tiền phí sử dụng mạng xã hội trong trường hợp họ từ chối cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân.

Cơ quan về Chống cạnh tranh không lành mạnh của Đức cũng đã ra quyết định cấm Facebook ra điều kiện “trả tiền hoặc đồng ý cho sử dụng dữ liệu cá nhân” đối với người dùng. Theo cơ quan này, hành vi của Facebook là vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân của khối, đồng thời là hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường mạng xã hội.

Meta cũng nhiều lần từng bị cơ quan chức năng châu Âu xử phạt liên quan đến dữ liệu cá nhân. Tháng 5/2023, chính phủ Ireland đã phạt công ty này 1,2 tỷ euro và bị cấm chuyển dữ liệu cá nhân người dùng sang Mỹ. 

Đã có tới 26 tổ chức phi chính phủ gửi thư tới Ủy ban bảo vệ dữ liệu châu Âu, nhấn mạnh Meta đã cố tình “Lách luật” về dữ liệu của khu vực, vi phạm quyền tự do của người dùng trong việc chọn lựa cách sử dụng và khai thác thông tin cá nhân.

dma-1719829920.jpg

Đạo luật DMA của EU đang kiềm chế việc lạm dụng sự độc quyền của các "big tech" và tạo ra một sân chơi công bằng cho các đối thủ nhỏ hơn.

Thông tin Meta đang đối diện với các cáo buộc mới liên quan tới “pay or consent” đang khiến người dùng mạng xã hội toàn cầu quan tâm khi trước đó chỉ một tuần, cơ quan quản lý chống độc quyền của EU cũng đã cáo buộc Apple đã vi phạm các quy tắc công nghệ của khối, có thể khiến “Nhà Táo” phải chịu một khoản tiền phạt khổng lồ.

Apple cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra khác liên quan tới việc tính phí áp dụng cho các nhà phát triển ứng dụng. Các cáo buộc chống lại Apple mở đầu cho những hành động pháp lý của EU trong việc buộc các “big tech” phải nghiêm chỉnh tuân thủ theo quy định của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) . Việc vi phạm DMA có thể bị phạt tới 10% doanh thu hàng năm toàn cầu của công ty.