Mở rộng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động bớt khó khăn khi mất việc

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm cả người lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên. Các chuyên gia đánh giá, việc mở rộng trợ cấp sẽ giúp người lao động có thêm nguồn hỗ trợ khi mất việc.

Hợp đồng 1 tháng cũng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Sau khi tham khảo ý kiến từ các bộ ngành và tiếp thu phản hồi của Uỷ ban xã hội Quốc hội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐ-TB&XH) đã hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và điều chỉnh một số chính sách liên quan.

Theo quy định hiện hành, người lao động làm công hưởng lương và tham gia BHXH bắt buộc chưa được bao phủ bởi BHTN. Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi sẽ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

nguoi-lao-dong-1730284034.jpg
Người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên được đóng bảo hiểm thất nghiệp

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung nhiều nhóm đối tượng vào dự thảo, trong đó có người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn Nhà nước.

Ngoài ra, các chức danh quản lý trong hợp tác xã cũng sẽ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu họ có hưởng lương. Dự luật còn bổ sung quy định giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng có thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội từng thời kỳ.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, quy định này dự kiến sẽ tăng thêm 60.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, từ đó nâng cao nguồn thu cho quỹ bảo hiểm. Chính sách này cũng tạo sự an tâm cho người lao động khi gặp rủi ro mất việc làm.

Tuy nhiên, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Bởi nếu áp dụng quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm cho người lao động ngay từ thời gian thử việc, điều này có thể dẫn đến tâm lý nhảy việc dễ dàng hơn của người lao động.

Tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) xem xét điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ 60% lên 75% so với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gần nhất trước khi người lao động thất nghiệp.

Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐVN cho, biết phần lớn doanh nghiệp đang đóng BHTN cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, mà mức này hiện vẫn còn thấp. Do đó, việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp lên ít nhất 75%, tương đương với mức hưởng lương hưu tối đa, là hợp lý nhằm giúp người lao động có đủ điều kiện sống tối thiểu khi mất việc.

nguoi-lao-dong-1-1730284034.jpg
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng từ 60% lên 75%

Hơn 1 năm trước, chị Nguyễn Thị Hoa kết thúc hợp đồng lao động và chính thức thất nghiệp sau 13 năm làm công nhân. Khi mất việc, chị làm thủ tục để nhận trợ cấp thất nghiệp. Với 13 năm đóng BHTN, chị được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp, với mức 4,6 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này được tính dựa trên 60% mức bình quân tiền lương tháng của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Với số tiền này, chị Hoa phải rất tiết kiệm mới có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Khi nghe về đề xuất tăng mức trợ cấp từ 60% lên 75%, chị Hoa hoàn toàn ủng hộ. “Công nhân khi thất nghiệp không có thu nhập, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Nếu được thêm đồng nào trong trợ cấp, họ sẽ bớt khổ và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm công việc mới,” chị chia sẻ.

Chị Hoa cũng đồng tình với đề xuất cho phép bảo lưu thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng. Chị cho hay, chị còn một năm đóng BHTN chưa được tính, nhưng không được bảo lưu để cộng vào thời gian mới hiện tại. Chị mong muốn được bảo lưu thời gian này để mang lại thêm quyền lợi cho người lao động.

Những lao động lớn tuổi như chị Nguyễn Thị Huyền (50 tuổi, Bắc Giang), càng ủng hộ đề xuất này. Chị Huyền mất việc vào tháng 10/2023 do doanh nghiệp gặp vấn đề. Hiện tại, dù đã có công việc mới với thu nhập khoảng 6,1 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống tạm thời, nhưng chị vẫn lo lắng nguy cơ mất việc khi đã ngoài 50 tuổi.

Chị Huyền chia sẻ rất mong mức trợ cấp thất nghiệp sẽ được tăng lên. Nếu lỡ mất việc lần nữa, chị sẽ rất khó để tìm được công việc mới. Nếu có thêm trợ cấp, cuộc sống của chị sẽ đỡ khó khăn hơn.

Ông Vũ Hồng Quang cũng cho rằng, việc không bảo lưu thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng, cùng với quy định giới hạn thời gian hưởng trợ cấp tối đa 12 tháng, có thể gây tâm lý lo lắng cho người lao động. Điều này khiến họ tìm cách giảm thiệt hại bằng cách nghỉ việc để nhận trợ cấp khi gần đến ngưỡng.

Hơn nữa, ông Quang nhấn mạnh Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn hiện tại không quy định rõ quỹ BHTN là quỹ ngắn hạn. Cần có những tính toán dài hạn cho quỹ này để khi tình trạng thất nghiệp được cải thiện, quỹ có thể trở thành một phần của an sinh xã hội, giúp phòng ngừa rủi ro trong những tình huống bất khả kháng ảnh hưởng đến việc làm.

Ông Quang cũng đề xuất quy định cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thời gian tham gia BHTN trên 144 tháng, nhằm tránh những xáo trộn không cần thiết và khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp, từ đó nâng cao sự ổn định và tăng nguồn quỹ.