Môi giới bất động sản “tung chiêu lừa” chốt sale cận Tết

Cận Tết, trong khi nhiều người muốn mua nhà để kịp ghi nhận thành tựu năm cũ nhưng lại thiếu thời gian để tìm hiểu thị trường, còn người bán lại mong muốn bán được hàng nhanh do gặp vấn đề về tài chính. Điều này khiến cả 2 bên đều dễ dàng đưa ra quyết định và rơi vào bẫy môi giới.

Vào giữa năm 2023, lô đất thổ cư gần 1.000m² của anh Tuấn (50 tuổi, quận 7, TP.HCM) được một môi giới chào mua với giá 52 tỷ đồng, cam kết sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và thanh toán trong 45 ngày. Do đang chịu áp lực trả nợ ngân hàng, anh Tuấn đồng ý bán dù còn băn khoăn. Tuy nhiên, sau khi ký thỏa thuận, môi giới không hề liên lạc lại.

Đủ chiêu trò mua bán ảo

Một thời gian sau, một môi giới khác tiếp cận anh Tuấn, cho biết có khách mua lô đất với giá 48 tỷ đồng. Mặc dù không hài lòng với mức giá này, nhưng vì khoản nợ ngân hàng sắp đáo hạn, anh Tuấn đành chấp nhận. Tuy nhiên, kết quả tương tự lại xảy ra khi môi giới lần nữa bặt vô âm tín.

Biết anh Tuấn đang gặp khó khăn tài chính, một nhóm môi giới tụ tập, giả danh nhà đầu tư để ép giá lô đất xuống còn 45 tỷ đồng. Sau nhiều áp lực và không còn lựa chọn nào khác, cuối năm 2023, anh Tuấn đành bán lô đất với mức giá này.

“Lúc đầu, tôi rất vui vì có người gọi hỏi mua đất, nhưng sau đó lại lo lắng khi giá liên tục bị hạ xuống mỗi lần có người hỏi mua. Chỉ trong nửa năm, hơn 10 môi giới đã liên lạc, nhưng hình thức tiếp cận và đàm phán đều giống nhau, khiến tôi không còn sự lựa chọn,” anh Tuấn chia sẻ.

moi-gioi-tu-do-1736239079.jpg
Nhiều môi giới khai thác thông tin cá nhân và tình hình tài chính của người bán để ép giá, mua với mức thấp hơn thị trường để kiếm lời

Đây là chiêu trò tinh vi của môi giới nhằm khai thác thông tin cá nhân và tình hình tài chính của người bán để ép giá, sau đó mua thấp hơn thị trường để kiếm lời.

Trong một trường hợp khác, anh Long (36 tuổi, TP Thủ Đức) đã gặp rắc rối khi tìm mua đất nền ở phường Long Trường vào tháng 10/2024. Sau khi thỏa thuận với một môi giới và chuẩn bị đặt cọc, anh bất ngờ phát hiện một môi giới khác rao bán cùng lô đất với giá rẻ hơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi đi gặp người môi giới có giá rẻ hơn này, anh Long lại được đưa tới một lô đất khác hoàn toàn so với thông tin ban đầu. Tình trạng rao bán ảo hoặc thông tin không minh bạch đang trở nên phổ biến. Nhiều môi giới hứa hẹn giá bất động sản thấp hơn thị trường để thu hút khách, nhưng sau đó lại phát sinh thêm nhiều khoản chi phí không rõ ràng.

Anh Hải (43 tuổi) từng bị lừa mua một căn hộ giá "ưu đãi" 2,7 tỷ đồng tại Bình Chánh, nhưng sau đó phải trả thêm hàng loạt chi phí phát sinh như phí xử lý giấy tờ, phí quản lý dự án, khiến tổng số tiền vượt xa dự tính ban đầu.

“Ngoài số tiền cọc, họ còn yêu cầu tôi thanh toán nhiều khoản phí “không tên”, khiến chi phí đội lên thêm 15%,” anh Hải bức xúc.

Không chỉ dừng lại ở các khoản phí bất hợp lý, nhiều môi giới còn lập ra các dự án "ma", tạo niềm tin bằng việc sử dụng hình ảnh từ những dự án có thật để chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhiều môi giới sử dụng các chiêu trò tinh vi, đánh vào tâm lý người mua, như tạo áp lực ra quyết định nhanh bằng cách giả vờ có nhiều khách khác đang cạnh tranh, khiến người mua dễ mắc bẫy.Bottom of Form

Không nên vội vàng đưa ra quyết định

Trong những ngày gần Tết, không chỉ đất nền mà còn có nhiều tin rao bán chung cư “cắt lỗ” xuất hiện liên tục. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây chỉ là chiêu trò của môi giới và người bán nhằm thu hút khách hàng.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property, cho biết chiêu thức này thường được môi giới sử dụng khi thị trường giảm nhiệt. Thay vì chi nhiều tiền cho quảng cáo, họ rao bán với giá "cắt lỗ" để nhanh chóng tiếp cận khách hàng có nhu cầu. Nếu không có căn khách hàng muốn, môi giới sẽ chuyển hướng giới thiệu những căn khác trong danh mục chuyển nhượng của họ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cao ốc Quốc tế Hồ Tây, cho biết thông tin "cắt lỗ" chung cư thu hút sự chú ý lớn, đặc biệt là từ những người mua hụt trong thời gian trước. Tuy nhiên, không ít môi giới lợi dụng tâm lý này để đẩy hàng nhanh cho đại lý, khiến người mua dễ bị lừa.

chieu-tro-mua-ban-ao-1736239079.jpg
Chiêu trò của các môi giới không mới nhưng gây nhiễu loạn thị trường, khiến người mua khó tìm được sản phẩm phù hợp

Cuối năm là thời điểm nhiều sàn giao dịch bị áp lực doanh số, do đó, các quỹ căn ôm trước đó được “xả hàng” với mức chênh lệch lớn, có khi giảm tới 70-80%, thậm chí ngang giá hợp đồng mua bán. Những căn khó thanh khoản như diện tích lớn, tầng thấp, hoặc hướng xấu thường bị giảm giá mạnh.

Theo ông Thanh, chiêu trò này không mới nhưng gây nhiễu loạn thị trường, khiến người mua khó tìm được sản phẩm phù hợp. Những người thiếu kinh nghiệm có thể dễ dàng mua phải hàng giá cao, không đúng giá trị thực.

Các chuyên gia dự báo rằng thị trường bất động sản sẽ dần ổn định trở lại, nhưng giá chung cư khó giảm sâu mà vẫn duy trì ở mức cao. Nguyên nhân chính là do quỹ đất phát triển dự án tại trung tâm ngày càng khan hiếm, trong khi chi phí xây dựng, vật liệu và nhân công ngày càng tăng.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, cũng nhận định rằng trong dịp Tết, người mua thường vội vàng ra quyết định và dễ mắc sai lầm. Nhiều chủ đầu tư tung ra các chương trình khuyến mãi hoặc ưu đãi hấp dẫn, nhưng chưa chắc các ưu đãi này là thật.

Ông Tuấn lưu ý rằng khi giao dịch bất động sản vào cuối năm, người mua cần tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm và hiểu biết về sản phẩm, đồng thời so sánh giá thị trường ở thời điểm đó. Ngoài ra, cần kiểm tra thông tin pháp lý và tình trạng dự án qua các cơ quan có thẩm quyền để tránh những rủi ro không đáng có.

“Người mua dễ mắc bẫy môi giới nếu không hiểu rõ thị trường,” ông Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không nên vội vàng đưa ra quyết định trong thời gian cuối năm, khi nhu cầu tăng cao và các chiêu trò lừa đảo trở nên phổ biến hơn.