Môi giới không được giới thiệu cho khách hàng bất động sản do chính mình sở hữu

Đây là một trong những hành vi bị cấm trong bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp dành cho môi giới bất động sản vừa được công bố. Quy tắc này được đưa ra nhằm đảm bảo tính minh bạch và tránh xung đột lợi ích và hành vi lợi dụng vị trí để trục lợi cá nhân.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp dành cho các nhà môi giới bất động sản gồm 6 chương và 21 điều quy định chi tiết các nguyên tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử trong các mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, thị trường và cộng đồng,...Trong đó, có 17 hành vi không được thực hiện.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới

Những hành vi bị cấm bao gồm môi giới các bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh, không công khai hoặc cung cấp thông tin sai lệch về bất động sản, gian lận và lừa dối trong quá trình làm việc. Ngoài ra, việc huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép của khách hàng, thu phí trái quy định và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cũng nằm trong danh sách cấm.

Bộ quy tắc cũng ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến nội bộ ngành như tranh giành khách hàng, sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi cá nhân, hoặc cung cấp thông tin bất lợi cho doanh nghiệp. Việc tự ý thay đổi mức phí dịch vụ mà không được sự đồng ý của người có thẩm quyền hay làm mất các giấy tờ quan trọng của doanh nghiệp và khách hàng cũng bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, Bộ quy tắc đặc biệt nhấn mạnh việc duy trì thái độ nghiêm túc, lịch sự với khách hàng và đồng nghiệp. Các hành vi như đại diện cho cả hai bên trong giao dịch, môi giới bất động sản thuộc sở hữu cá nhân hay yêu cầu khách hàng đưa tiền ngoài hợp đồng để trục lợi cũng nằm trong danh sách cấm. Đây là nỗ lực nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bất động sản minh bạch, bền vững và chuyên nghiệp hơn.

moi-gioi-bds-1732789928.jpeg
Môi giới không được giới thiệu cho khách hàng bất động sản do chính mình sở hữu

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bộ quy tắc tập trung vào việc ứng xử với khách hàng, nhấn mạnh tính trung thực, tận tâm và ngăn ngừa xung đột lợi ích. Đồng thời, bộ quy tắc đề cao tinh thần hỗ trợ, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các đồng nghiệp, góp phần thúc đẩy sự minh bạch và công bằng trong ngành.

Theo ông Đính, tất cả nhà môi giới đều phải tuân thủ quy định của bộ quy tắc. Những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc nhằm đảm bảo tính minh bạch, uy tín nghề nghiệp và ngăn chặn những rủi ro có thể dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống bất động sản.

“Bộ quy tắc là kim chỉ nam cho hoạt động môi giới, góp phần củng cố niềm tin xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. VARS cam kết triển khai hiệu quả qua đào tạo, giám sát và tôn vinh điển hình, nhằm nâng cao vị thế nghề môi giới tại Việt Nam,” ông Đính nhấn mạnh.

Môi giới đóng vai trò quan trọng với thị trường

Thời gian qua, giá bất động sản trở thành chủ đề nóng thu hút sự chú ý lớn từ dư luận, không chỉ với căn hộ chung cư mà cả biệt thự, liền kề và đất đấu giá. Nhiều người dân choáng váng khi giá liên tục bị đẩy lên cao, làm dấy lên nghi ngờ về việc các cá nhân và doanh nghiệp trong lĩnh vực môi giới bất động sản cấu kết đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính khẳng định môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Giá nhà tăng cao chủ yếu do các đối tượng đầu cơ có tiềm lực tài chính mạnh lợi dụng sự mất cân bằng cung - cầu để thổi giá, găm hàng và chốt lời khi cơ hội xuất hiện.

Cũng theo ông Đính, môi giới bất động sản khác biệt rõ ràng với các tay đầu cơ. Họ làm nghề dựa trên thu nhập từ việc tư vấn, giới thiệu và chốt giao dịch, chứ không đủ khả năng tài chính để ôm hàng hay thao túng thị trường. Nếu có, số lượng môi giới tham gia đầu cơ cũng rất ít, không đáng kể để tạo sóng hay lũng đoạn thị trường.

co-dat-1732789928.jpg
Cần phân biệt rõ giữa môi giới và "cò đất"

Cho biết thêm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực VARS chia sẻ, các quy định pháp luật mới về kinh doanh bất động sản đã giúp loại bỏ tình trạng môi giới tự do, hay còn gọi là “cò đất”. Hiện nay, môi giới bất động sản không chỉ phải đáp ứng yêu cầu pháp lý cơ bản như tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và vượt qua kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề, mà còn phải đáp ứng điều kiện tham gia vào các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và điều kiện hoạt động chuyên nghiệp.

Nêu quan điểm về nghề môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định đây là bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc siết chặt các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo ông Phúc, để nâng cao hiệu quả quản lý, các nhà môi giới cần tham gia vào tổ chức xã hội nghề nghiệp độc lập, có tư cách pháp nhân. Tổ chức này không chỉ là tiếng nói đại diện cho các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực môi giới mà còn đóng vai trò cầu nối giữa họ và cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, tổ chức này sẽ chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm, giúp nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp trong ngành.

Về tình trạng môi giới đẩy giá và gây nhiễu loạn thị trường, ông Phúc nhận định rằng ngoài những nhà môi giới chuyên nghiệp, tuân thủ quy định pháp luật, vẫn tồn tại một số cá nhân vì lợi ích mà bất chấp quy định, cấu kết với nhà đầu tư để thao túng giá cả. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện tượng này là khó tránh khỏi trong bối cảnh kinh tế thị trường.