Mỏi mắt tìm cân đối chứng ở các chợ truyền thống lẫn siêu thị

Cân đối chứng hay các trạm cân đối chứng được đặt tại chợ hay siêu thị giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra lại ngay hàng hóa vừa mua mà thấy nghi ngờ. Thế nhưng hiện nay, những chiếc cân này vẫn vắng bóng tại nhiều chợ ở các đô thị lớn.

Trước tình trạng gian lận thương mại, trong đó có định lượng, người bán cố ý làm sai lệch trọng lượng nhằm thu lợi bất chính, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức trung thực trong hoạt động kinh doanh của các tiểu thương, những trạm cân đối chứng đã được Nhà nước yêu cầu lập tại chợ trên cả nước.

Cân đối chứng hay các trạm cân đối chứng được đặt tại chợ hay siêu thị giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra lại ngay hàng hóa vừa mua nếu thấy nghi ngờ. Sự “có mặt" của các trạm cân này sẽ nâng cao sự minh bạch trong bán lẻ hàng hóa, đồng thời giúp người tiêu dùng an tâm vì có thể phòng ngừa được cân sai, cân thiếu.

can-doi-chung-1719449828.jpg
Cân đối chứng giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra lại ngay hàng hóa vừa mua mà thấy nghi ngờ

Hơn chục năm trước, tại nhiều khu chợ lớn ở Hà Nội có thể dễ dàng tìm thấy cân đối chứng. Nhưng hiện nay, vấn đề này đã không còn được quan tâm khi chợ truyền thống cũng không còn đông người mua như trước. Chị Trần Thục Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đi chợ đã nhiều năm nhưng chị chưa từng nhìn thấy chiếc cân đối chứng nào. Khi được chia sẻ thông tin về cân đối chứng, chị Loan thốt lên, nếu có thì thật sự quá tốt.

Chị Loan cho rằng, dù xu hướng mua sắm hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng người Việt vẫn thích ăn đồ tươi, sống nên những khu bán thịt, cá, hải sản… tại chợ sẽ không bao giờ biến mất. Do đó, việc duy trì cân đối chứng sẽ giúp những bà nội trợ như chị mua hàng xong có thể kiểm tra luôn, không còn phải lăn tăn mình bị cân điêu, cân thiếu.

Chị Lê Thu Mai (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chị có nghe nói về cân đối chứng, nhưng ở các chợ mà chị thường đi mua thực phẩm lại không thấy trang bị. Nhiều khi đi chợ về, mang thực phẩm cân thử lại mới phát hiện bị thiếu, nhưng nếu quay ra chợ tìm người bán để tranh cãi thì chưa chắc đã thắng, vì không đối chứng tại chỗ.

Bà Phạm Thị Thơ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước đây, chợ Ngã Tư Sở cũng có cân đối chứng. Khi đó, bà cũng thường sử dụng để cân lại hàng hóa vừa mua. Nhưng nhiều năm nay, bà đã không còn thấy cân này nữa. Bà Thơ bảo, giờ người đến chợ này còn ít thì đâu ai quan tâm đến cân đối chứng nữa.

can-doi-chung-2-1719449828.jpg
Mũi Né (Bình Thuận) đặt cân đối chứng ở bến hải sản làng chài, giúp du khách không bị gian lận

Hiện nay, có lẽ sử dụng cân đối chứng nhiều nhất là tại các khu chợ hải sản tại các tỉnh phát triển du lịch. Như tỉnh Bình Thuận từng yêu cầu phải có cân đối chứng ở bến hải sản làng chài, giúp du khách không bị gian lận.

Tình trạng này có thể sẽ sớm được cải thiện khi mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó nêu rõ về cân đối chứng. Theo đó, Nghị định yêu cầu đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra khối lượng hàng hóa. "Cân đối chứng, thiết bị đo lường phải được kiểm định và còn trong thời hạn kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường", Nghị định nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định có nội dung, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng với hành vi: Không đặt hoặc không duy trì hoạt động cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa theo quy định.

Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, cân được sử dụng để thực hiện phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ phải bảo đảm:

Thứ nhất, có phạm vi cân phù hợp với khối lượng hàng hóa cần cân.

Thứ hai, có giá trị độ chia tương ứng với khối lượng hàng hóa cần cân.

Thứ ba, được kiểm định tại tổ chức kiểm định theo quy định của pháp luật về đo lường.

Thứ tư, các bộ phận, chi tiết của cân phải phù hợp với mẫu đã được phê duyệt;

Thứ năm, các bộ phận, chi tiết, chức năng có khả năng can thiệp làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường cơ bản của cân phải được niêm phong hoặc kẹp chì của tổ chức kiểm định được chỉ định.

Ban quản lý chợ và trung tâm thương mại có trách nhiệm đặt, duy trì, bảo quản các quả cân đối chứng, thực hiện phép đo đối chứng theo quy định của Thông tư…