Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện 70 chiếc xe gắn máy nhãn hiệu Bosscity S50-P và Bosscity S50 có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng thể hiện dung tích làm việc của xi-lanh động cơ là 49,5cm3, nhưng kiểm nghiệm lại cho kết quả cao hơn 50cm3.
Những chiếc xe này là của Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam. Công ty đã tự ý thay đổi dung tích xi-lanh, không phù hợp với giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Lực lượng chức năng Hà Nội cũng từng phát hiện 18 chiếc xe gắn máy kiểu dáng Supe Cub, Wave, Vespa… của cửa hàng Thế giới xe điện trên đường Tôn Đức Thắng lắp máy 70cc dù phiếu xuất xưởng ghi xe dưới 50cc.
Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe dưới 50cc được gọi là xe gắn máy, tốc độ tối đa không quá 40km/h. Nhưng khi thay xi-lanh, "độ" dung tích 70cc trở lên sẽ làm thay đổi đặc tính động cơ, vận tốc xe có thể đạt tới 70km/h. Khi vặn ga, xe cũng gia tốc nhanh hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn, nhất là với học sinh còn thiếu kỹ năng lái xe.
Theo tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, xe gắn máy từ 50cc trở xuống hiện nay được sử dụng phổ biến nhiều nhất là học sinh. Nguyên nhân là do loại xe này không cần giấy phép lái xe, tốc độ di chuyển và gia tốc chậm. Tuy nhiên, khi xe được "độ" lên 70cc, 100cc sẽ trở thành xe mô tô. Lúc này, người điều khiển buộc phải có giấy phép lái xe, có kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho rằng, học sinh là lứa tuổi nhận thức về an toàn giao thông còn hạn chế. Vì vậy, việc điều khiển xe có tốc độ trên 50km/h rất nguy hiểm. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm.
Tuy nhiên, để xác định xe gắn máy dưới 50cc đã "độ" dung tích xi-lanh không dễ và mất nhiều thời gian. Theo quy trình, CSGT làm nhiệm vụ trên đường sẽ dừng các phương tiện có dấu hiệu nghi vấn. Dựa vào mã động cơ của xe, cảnh sát sẽ xác minh nhanh qua cơ sở dữ liệu phương tiện của ngành công an. Tiếp theo mới thực hiện tháo máy, giám định để xác định dung tích thực tế, từ đó mới có đủ căn cứ để xử lý nếu có vi phạm.
Chủ một tiệm sửa xe cho biết, có thể "độ" xe Cub dưới 50cc lên 70cc bằng cách hạ máy, khoan nòng (khoảng dung tích chứa xi-lanh động cơ) rộng ra, sau đó nâng cấp xi-lanh lên để đạt được 70cc và đóng nòng lại. Chi phí “độ” xe khoảng 2 triệu đồng và mất 1 ngày để thực hiện.
Việc "độ" xe không làm thay đổi số máy và đầu nòng vẫn đóng số 49 để qua mặt lực lượng chức năng. Chỉ khi tháo máy ra mới phát hiện được động cơ đã lên dung tích xi-lanh, còn chỉ nhìn bằng mắt thường không thể biết được.
Để kiểm soát tình trạng này, thiếu tá Trần Quang Chinh cho rằng, phụ huynh phải có trách nhiệm khi giao xe cho con chưa, giám sát chặt quá trình con sử dụng xe. Cùng với đó giáo dục, chỉ dẫn, trang bị cho con kiến thức về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn.
Một vị lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới chia sẻ, trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới) có quy định cấm hành vi "sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật"; "Tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng không bảo đảm liên quan đến an toàn kỹ thuật so với thiết kế hoặc hồ sơ kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt". Theo ông, đây sẽ là cơ sở để siết trách nhiệm của đơn vị sản xuất, sửa chữa, đại lý.