Mưu sinh vất vả tại thành phố có mức sống đắt đỏ nhất cả nước

Khảo sát từ Viện Công nhân Công đoàn, thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,88 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu tới 11,7 triệu đồng.

Trong báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) mới nhất của Tổng cục Thống kê, Hà Nội là địa phương có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Có 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,24%; giáo dục tăng 38,33%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,38%.

ha-noi-1-1712912421.jpg
Hà Nội là thành phố có mức sống đắt đỏ nhất cả nước

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính cho hay, so với quốc tế, Hà Nội cũng được coi là thành phố có giá cả sinh hoạt cao. Nhất là 2 năm trở lại đây, giá bất động sản tăng phi mã khiến chi phí từ mua nhà đến thuê nhà ở, cửa hàng tăng theo. Giá cả nhiều mặt hàng cũng vì thế mà tăng.

Giá cả hàng hóa đắt đỏ, nhưng thu nhập của người dân sống tại Hà Nội lại không cao. Báo cáo lương thưởng - phúc lợi năm 2023 của Talentnet cho thấy, dù Hà Nội là trọng điểm kinh tế của cả nước nhưng mức trả lương cơ bản năm lại thấp hơn TP. HCM 12%, thậm chí nếu so với một số tỉnh khác phía Nam còn thấp hơn 10%.

Theo ông Long, giá cả tăng nhanh hơn lương khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là nhóm lao động nghèo, những người làm công ăn lương thu nhập giảm sau dịch, người thất nghiệp. Thực tế, mỗi lần có thông tin lương tăng thì gần như ngay lập tức giá cả các mặt hàng cũng leo thang. Trong khi, số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá. Đặc biệt, không phải nhóm người lao động nào cũng nằm trong đợt tăng lương đó.

ha-noi-1712912422.jpg
Chi phí sinh hoạt của các gia đình tăng do nhiều mặt hàng thiếu yếu đã tăng giá

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thảo (35 tuổi) thuê phòng trọ tại Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Chị chia sẻ, từ hè năm 2023, chi phí sinh hoạt của gia đình chị đã tăng khoảng 30%. Trước đó, vợ chồng chị thuê nhà 3 triệu đồng/tháng, tiền nước 30.000 đồng/khối, điện 4.000 đồng/số. Như vậy, gia đình mỗi tháng tốn khoảng 4 triệu đồng cho chi phí nhà và điện, nước.

Nhưng hiện tại, tiền thuê nhà đã tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng, tiền nước 35.000 đồng/khối, tiền điện 4.500 đồng/số. Chi phí ăn uống cũng tăng khoảng 15% so với trước chủ yếu do giá gas và nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày tăng.

Chị bộc bạch, chi phí sinh hoạt tăng, vợ chồng chị vẫn co kéo được. Nhưng con gái đầu vào lớp 1, con trai đến tuổi đi mẫu giáo đã khiến áp lực của vợ chồng chị quá cao. Chị muốn cho con học trường công để phần nào tiết kiệm chi phí. Nhưng do không có hộ khẩu, chị đành phải cho con học trường tư. Tổng tiền học chính của 2 con tăng thêm 3 triệu đồng so với trước.

Chị Thảo cho biết, 3 năm trước, chị sinh con thứ 3. Sau khi con được 6 tháng, chị cũng tính đi làm lại. Tuy nhiên, so sánh lương và chi phí gửi con, chị đã chọn ở nhà vừa chăm con vừa bán hàng online. Còn chồng chị trước làm xây dựng, sau biến động của đại dịch Covid-19 thì ít việc nên anh buộc phải chạy thêm xe ôm.

Chị bảo, trước đây với tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng thì gia đình chị vừa đủ chi tiêu. Nhưng từ khi mọi thứ đều tăng giá, tháng nào nhà chị cũng thiếu trước hụt sau. Chỉ cần giá gas dao động, giá xăng tăng là vợ chồng anh cảm thấy "bị dồn vào chân tường". Nhất là vì ở trọ, điện, nước tính giá kinh doanh nên cứ mùa hè là chị Thảo chỉ đợi con ngủ say để tắt điều hòa chuyển sang quạt.

Vợ chồng anhTrần Văn Công ở trọ bên khu Gia Lâm (Hà Nội) nên chi phí thuê nhà, ăn uống cũng rẻ hơn khu trung tâm. Dù vậy, nhiều lúc vợ chồng anh cũng thiếu trước hụt sau khi cùng lúc phải đóng tiền nhà, tiền học cho con. Anh Công chia sẻ, không tính mấy năm Covid-19 khó khăn chung, vợ chồng anh cũng coi như có chút tích cóp để phòng lúc con cái ốm đau. Nhưng từ năm ngoái, công việc ở công ty anh ít đi dẫn đến lương giảm, cộng thêm chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn khiến cuộc sống của gia đình anh cũng gặp nhiều khó khăn. Vợ anh mỗi ngày đi chợ đều cố gắng tiết giảm, mới đủ co kéo cho sinh hoạt của gia đình.

Khảo sát từ Viện Công nhân Công đoàn, nửa đầu năm 2023, thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,88 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu tới 11,7 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2022. Còn theo báo cáo của Công ty kiểm toán PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023, có 62% người được hỏi cho biết họ buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết.