Mỹ kêu gọi đồng minh siết chặt cung cấp thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc

Reuters đưa tin, một quan chức Mỹ sẽ tới Nhật Bản sau cuộc gặp với chính phủ Hà Lan để kêu gọi các đồng minh hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu các con chip, thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Đây hiện đang là 2 quốc gia hàng đầu trong việc cung cấp các thiết bị sản xuất chip cho ngành.

Alan Estevez, người đứng đầu chính sách xuất khẩu của Hoa Kỳ, sẽ đến thăm Nhật Bản và Hà Lan trong tuần này như một phần trong nỗ lực mở rộng thỏa thuận năm 2023 giữa ba nước nhằm hạn chế việc xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hà Lan xác nhận cuộc họp đã diễn ra ở Hà Lan vào thứ Hai. Về phía Bộ công nghiệp Nhật Bản, họ cho biết đang có nhiều trao đổi với Mỹ nhưng sẽ không bình luận về các tương tác ngoại giao.

Các nguồn tin cho biết, Mỹ cũng đang trao đổi với các đồng minh về việc bổ sung thêm nhiều nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách hạn chế xuất khẩu chip, máy móc thiết bị sản xuất bán dẫn. Một nguồn tin cho biết có ít nhất 5 nhà máy dự kiến được bổ sung vào danh sách, trong đó có ít nhất một nhà máy thuộc sở hữu của SMIC - nhà sản xuất chip gia công lớn nhất Trung Quốc.

chip-1718863902.jpg
Mỹ đang thúc đẩy Nhật Bản và Hà Lan tăng cường các biện pháp hạn chế chip tiên tiến với Trung Quốc.

Một nguồn tin khác cũng cho hay, Mỹ cũng muốn kiểm soát nhiều thiết bị sản xuất chip hơn. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này.

Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết cuộc gặp hôm thứ Hai là một phần của các cuộc đàm phán đang diễn ra về chính sách xuất khẩu và an ninh giữa Mỹ và Hà Lan. Các quan chức Mỹ cũng đã đến thăm Hà Lan vào tháng 4 để cố gắng ngăn chặn ASML bảo trì một số thiết bị ở Trung Quốc. Theo quy định của Mỹ, các công ty Mỹ bị cấm bảo trì thiết bị tại các nhà máy tiên tiến của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, những hợp đồng dịch vụ hiện tại của ASML vẫn còn hiệu lực. Một nguồn tin cho biết vấn đề này vẫn đang được thảo luận. Chính phủ Hà Lan chưa đồng ý với yêu cầu của Mỹ nhưng không loại trừ khả năng sẽ chấm thuận.

ASML cho biết vào tháng 4, họ dự kiến ​​có thể bảo trì hầu hết các thiết bị trị giá hàng tỷ euro mà họ đã bán cho Trung Quốc cho đến cuối năm 2024, mặc dù họ không thể sử dụng các phụ tùng thay thế từ Mỹ do lệnh hạn chế. ASML cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

asml-1718863653.jfif
Không chỉ bị hạn chế tiếp cận các con chip tiên tiến, máy móc thiết bị sản xuất chất bán dẫn, các công ty Trung Quốc còn gặp khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị.

Mỹ lần đầu tiên áp đặt các hạn chế trong việc xuất khẩu các loại chip tiên tiến vào thị trường Trung Quốc từ năm 2022, áp dụng  đối với các công ty bao gồm Nvidia có trụ sở tại California và Lam Research.

Tháng 7 năm ngoái, Nhật Bản - quê hương của nhà sản xuất thiết bị chip Nikon Corp và Tokyo Electron đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị, từ máy dán màng trên tấm silicon đến thiết bị khắc các mạch điện cực nhỏ.

Tiếp đó, chính phủ Hà Lan cũng đưa ra các quy định hạn chế việc công ty ASML có trụ sở tại nước này cung cấp các thiết bị bán dẫn tia cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Những chiếc máy tốt nhất của ASML đã không còn được xuất khẩu sang Trung Quốc từ sau ngày 1/1/2024. ASML là nhà sản xuất thiết bị, máy móc chip lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và vốn hóa thị trường.

Mỹ sau đó đã áp đặt các hạn chế đối với các máy DUV bổ sung đối với một số nhà máy Trung Quốc, tuyên bố quyền tài phán vì hệ thống của ASML có chứa một số bộ phận và linh kiện của Mỹ.

Bất chấp các ngăn cản từ bên ngoài, các công ty công nghệ Trung Quốc với tinh thần “tự lực cánh sinh” đã từng bước nỗ lực vượt khó. Năm ngoái, Huawei đã tung ra dòng smartphone Mate 60 Pro mới sử dụng các con chip 5G tiên tiến mới để khẳng định cho điều này. Trung Quốc cũng đang đổ nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, tránh sự phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài.