Nếu không xử lý triệt để SIM rác, sau ngày mai các nhà mạng sẽ bị xử lý nặng

Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, hôm nay (15/1) là hạn cuối để các nhà mạng xử lý triệt để SIM rác trên thị trường. Nếu không sẽ bị dừng phát triển thuê bao mới và người đứng đầu nhà mạng cũng bị xem xét xử lý, kỷ luật.

Trước đó, ngày 9/4/2024, Bộ TT&TT cũng đã ban hành quyết định xử phạt 3 nhà mạng bao gồm Viettel, CMC Telecom, FPT Telecom vì để cuộc gọi rác hoành hành. Tổng số tiền 3 nhà mạng bị phạt lên tới 420 triệu đồng.

cuoc-goi-rac-1713168559.jpg
Để cuộc gọi rác hoành hành, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam vừa bị xử phạt tới 420 triệu đồng.

Việc xử phạt của Bộ TT&TT cho thấy, cơ quan chức năng đang rất mạnh tay trong việc kiểm soát, xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác, SIM rác trong thời gian vừa qua. Vì vậy, thời hạn 15/4 sẽ là mốc quan trọng mà các nhà mạng buộc phải nghiêm túc thực hiện, triệt để việc “dọn dẹp” SIM rác trên thị trường. Đây cũng là vấn đề đang được người dân quan tâm thời gian gần đây khi những vấn nạn liên quan đến SIM không chính chủ đã, đang gây ra không ít phiền toái, nguy cơ bị lừa đảo,... Vấn đề cũng đã được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông suốt thời gian qua.

Để nhanh chóng giải quyết triệt để vấn đề này, tại cuộc họp về xử lý SIM rác diễn ra ngày 7/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải xử lý xong tất cả các SIM còn tồn kênh, chuyển về SIM không có thông tin thuê bao (có hoặc không có gói cước), đảm bảo thông tin thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngay sau đó, Bộ cũng đã có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp chuyển các SIM đang khóa 2 chiều, có thông tin thuê bao, có gói cước phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao trước ngày 22/3/2024. Đặc biệt, trước ngày 15/4, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn cũng phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Các nhà mạng cũng được yêu cầu phải xử lý xong tập thuê bao một giấy tờ đứng tên nhiều SIM (từ 4 SIM/1 giấy tờ trở lên). Nếu không thực hiện triệt để, sau thời điểm 15/4, nếu phát hiện các vi phạm như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao (được xác định là SIM rác), nhà mạng có thể bị xem xét xử lý vi phạm, hình thức xử phạt cao nhất là dừng phát triển thuê bao mới, đồng thời có văn bản nhắc nhở người đứng đầu nhà mạng, báo cáo Thủ tướng chính phủ xem xét kỷ luật.

sim-rcs-1713167938.jpg
Nếu để SIM rác xuất hiện trên thị trường sau ngày hôm nay (15/4), các nhà mạng sẽ bị xử phạt rất nặng.

Để thuận tiện cho người dân trong việc tra cứu các thông tin thuê bao đứng tên của bản thân, thời gian qua, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đã triển khai tổng đài 1414. Sau khi soạn tin nhắn theo cú pháp “TTTB_Số giấy tờ cá nhân” và gửi đi, tổng đài sẽ trả về kết quả bao gồm thông tin thuê bao, thông tin chính chủ, số giấy tờ, số lượng thuê bao đang đứng tên… Nếu phát hiện có sai sót, bất thường, số thuê bao lạ, người dân có thể phản ánh tới nhà mạng, cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.

Đã có 6 triệu lượt tin nhắn tra cứu được thực hiện qua tổng đài 1414 thời gian qua. Trong đó, có khoảng 1.200 số thuê bao được người dân phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông, thắc mắc về số SIM lạ được đứng tên mình. Các nhà mạng đã loại bỏ các số thuê bao này, thực hiện khóa 1 chiều, 2 chiều đối với các thuê bao không đúng tên, giấy tờ. 

Chỉ riêng tháng 3/2024, đã ghi nhận 1,62 triệu giấy tờ, tương ứng 7,9 triệu SIM thuộc tập thuê bao có từ 4 đến 9 SIM. Kết quả quá trình kiểm tra, rà soát, các nhà mạng đã khóa khoảng 200 số thuê bao, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.