Từ đầu tháng 12/2024, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, với mức tăng phổ biến từ 0,3-0,5%. Trong đó, Agribank là đại diện duy nhất thuộc nhóm “Big 4” tham gia cuộc đua này, dù lãi suất của ngân hàng vẫn thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như MB, Techcombank, VPBank, VIB, OCB, MSB, và ABBank.
Tạo đà cho hạn mức tín dụng năm mới
Mặt bằng lãi suất huy động hiện đang phân hóa rõ rệt. Các ngân hàng quốc doanh áp dụng mức lãi suất thấp hơn nhiều so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Đáng chú ý, mức lãi suất tại từng ngân hàng cũng có sự chênh lệch lớn giữa khách hàng thông thường và khách VIP. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng hiện dao động từ 5-5,5%/năm, nhưng với các khách hàng VIP, con số này có thể lên tới 5,8-6,4%/năm.
Theo bà Hoàng Ngân (Hà Nội), lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại VPBank hiện niêm yết ở mức 5%, nhưng bà được nhân viên ngân hàng chào mời mức 5,9% dành cho khách VIP. Tuy nhiên, bà vẫn đang cân nhắc vì một số ngân hàng nhỏ khác đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn, từ 6,1-6,45%/năm. Hiện nay, nhiều ngân hàng như ABBank, MSB, và KienLongBank cũng tung ra các chương trình lãi suất ưu đãi đặc biệt, áp dụng cho các khoản tiền gửi lớn, nhằm thu hút khách VIP.
Thực tế, việc tăng lãi suất huy động đang tạo ra lợi ích lớn cho người gửi tiền nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ cho các ngân hàng trong việc duy trì thanh khoản và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tài chính.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động tăng mạnh là do thanh khoản của một số ngân hàng gặp khó khăn và nợ xấu gia tăng, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng nguồn huy động để bù đắp.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh huy động vốn trong tháng cuối năm còn nhằm cải thiện chỉ tiêu tín dụng, giúp các ngân hàng có cơ sở xin cấp hạn mức tín dụng cao hơn trong năm tới. Tương tự, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng lãi suất tăng một phần do yếu tố mùa vụ khi cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm, bên cạnh áp lực thanh khoản chưa tốt của một số ngân hàng.
Trước diễn biến này, trong công điện giữa tháng 12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mạnh mẽ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, cả ở huy động và cho vay, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Những rủi ro cũng cần được tính đến
Dù chưa kết thúc năm 2024, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng đã dần hiện rõ, với nhiều con số tăng trưởng đáng chú ý. Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, TPBank nổi bật khi tính đến ngày 30/11 đã đạt hơn 7.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng gần 28% so với cuối năm 2023. Dự kiến cả năm, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ tăng 34%, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ở mức 17%, vượt xa trung bình toàn ngành.
Bên cạnh TPBank, các ngân hàng như Techcombank, VPBank, HDBank và Sacombank cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể. Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ như PGBank, Saigonbank, ABBank và NCB vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện sự phân hóa rõ nét trong nội bộ nhóm ngân hàng tư nhân. Nhóm Big 4 ngân hàng, tuy chưa công bố kết quả lợi nhuận chính thức nhưng cũng đã đưa ra các ước tính sơ bộ khả quan, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%.
Theo các chuyên gia phân tích, lợi nhuận chung toàn ngành ngân hàng năm nay tăng hơn 16%, với sự phân hóa rõ rệt. Nhóm ngân hàng lớn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định từ 8-12%, phụ thuộc vào mức trích lập dự phòng rủi ro.Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân lại chứng kiến sự phân hóa.
Dự báo cho năm 2025, ngành ngân hàng có thể đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, chỉ ở mức 14,9%. Tổng thu nhập hoạt động toàn ngành được kỳ vọng tăng 15,3%, chủ yếu nhờ tín dụng, trong khi thu nhập ngoài lãi dự kiến chỉ tăng 8,5% do mảng bán chéo bảo hiểm vẫn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý mà nhóm phân tích của Mirae Asset đưa ra là sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 (lượng cung tiền thực tế ra thị trường) sẽ tiếp tục gia tăng áp lực thanh khoản trong năm tới, đặc biệt khi các ngân hàng phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và gia hạn nợ từ năm nay.
Bên cạnh tín dụng, một kênh huy động vốn khác là trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi. Theo báo cáo của Mirae Asset, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp, hiện chỉ chiếm 6,6% tổng tín dụng đối với nền kinh tế. Nguyên nhân chính là khối lượng phát hành mới thấp, trong khi lượng đáo hạn và việc các doanh nghiệp chủ động mua lại vẫn diễn ra.
Một vấn đề khác là đích đến của dòng vốn vay. Dư nợ ở các ngành liên quan đến bất động sản, bao gồm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và các khoản vay cá nhân, đang tăng nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của ngành.
Điều này được hỗ trợ bởi một số dự án bất động sản đủ điều kiện triển khai và mở bán. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là hạ tầng, vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, làm giảm động lực cho tăng trưởng dài hạn.