Ngân hàng kích cầu bất động sản với dòng vốn rẻ chưa từng có

Các ngân hàng hiện đang duy trì mức lãi suất cho vay rẻ chưa từng có đối với khách hàng vay mua nhà, đồng thời cũng đổ một lượng vốn đáng kể vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và là mảng hoạt động quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Theo đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà, sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Ưu đãi chồng ưu đãi

Theo khảo sát của phóng viên Đô Thị Mới, mức lãi suất cho vay mua bất động sản tại các ngân hàng đang dao động từ 5%-6%, nhỉnh hơn khoảng 1% so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12-24 tháng trong thời gian ưu đãi. Đáng chú ý, một số ngân hàng ngoại còn tung ra gói cho vay mua bất động sản với lãi suất dưới 6%/năm cố định trong vòng 2-3 năm đầu.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV), lãi suất ưu đãi vay mua nhà hiện dao động quanh 5-7%/năm, áp dụng cho tối đa 2 năm đầu.

Cụ thể khách vay mua nhà tại Vietcombank hiện được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn.

Tại VietinBank, lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mua nhà hiện vào khoảng 5,8%/năm; lãi suất tại BIDV cũng đang ưu đãi trong khoảng 5-5,5%/năm; với khoản vay trên 24 tháng Agribank đang áp dụng mức lãi 6,5%/năm.

tin-dung-bat-dong-san-1715667578.jpg

Dòng vốn rẻ vẫn đang chảy vào lĩnh vực bất động sản 

 

Không chỉ ưu đãi về lãi suất, nhiều ngân hàng còn tạo điều kiện cho người vay mua nhà giảm bớt áp lực tài chính khi áp dụng chính sách ân hạn trả gốc trong thời gian dài. Chẳng hạn như tại VIB, khách hàng không cần trả gốc trong 5 năm, sau thời gian đó có thể trả gốc định kỳ đến 6 tháng/lần.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng khá “ưu ái” người vay mua nhà khi tỷ lệ cho vay luôn đạt mức cao, dao động trong khoảng 70%-80% giá trị tài sản đảm bảo, thời gian vay có thể lên tới 30 năm.  Thậm chí có ngân hàng còn chấp nhận tài sản đảm bảo là hợp đồng thuê, mua bất động sản khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hạn mức cho vay tới 70% giá trị hợp đồng, thời hạn vay 20 năm.

Hiện nay, tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm hơn 62% tổng dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống. Tại nhóm các ngân hàng lớn, con số này lên tới 70-80%. Tuy nhiên, mảng kinh doanh bất động sản cũng không hoàn toàn bị các ngân hàng “ngó lơ”, dòng tiền rẻ vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực này.

Trong báo cáo mới công bố của Bộ Xây dựng đã dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).

Cho vay bất động sản vẫn tiềm năng

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch ngân hàng cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn nhưng cho vay lĩnh vực này có nhiều tiềm năng. Khi gặp vấn đề thì dư nợ bất động sản dễ gặp khó nhưng lại có khả năng xử lý cao nhất, tỷ lệ mất thật của lĩnh vực này thấp hơn các lĩnh vực khác.

Theo đó, trong quý I/2024, mảng kinh doanh bất động sản của VPBank đã được ngân hàng này giải ngân hơn 121.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trên tổng dư nợ của VPBank ghi nhận tăng từ 20,2% lên 20,8%.

Không chỉ riêng VPBank bày tỏ quan điểm cởi mở với lĩnh vực bất động sản, “soi” cụ thể vào báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng có thể thấy rằng, nhiều đơn vị vẫn dành tỷ trọng lớn cơ cấu nợ cho lĩnh vực bất động sản.

vpbank-1715667638.jpg

Các lãnh đạo của VPBank cho rằng cho vay lĩnh vực bất động sản có nhiều tiềm năng

 

Có thể kể đến như tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng này trong quý I/2024 đạt hơn 194.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Với tổng dư nợ ghi nhận hơn 334.000 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản chiếm gần 36%, tăng nhẹ so với quý IV/2023.

Tương tự, SHB ghi nhận hơn 70.000 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý I/2024, tỷ trọng tăng từ 15,4% lên 16,6%. Các ngân hàng khác như MB, HDBank, TPBank cũng ghi nhận mức tăng nhẹ của dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản.

Dù cho vay bất động sản được các lãnh đạo ngân hàng đánh giá là tiềm năng, mang lại lợi ích lớn , nhưng cũng đặt ra thách thức cho các ngân hàng, một trong những thức thức lớn nhất là rủi ro nợ xấu, mất cân đối trong cơ cấu tín dụng.

Một vấn đề khác là nguy cơ tạo ra "bong bóng" bất động sản. Dù dòng vốn giá rẻ giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở, nhưng nếu không kiểm soát tốt, nó có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, giá nhà tăng đột biến, vượt xa giá trị thực. Khi "bong bóng" bất động sản vỡ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với cả nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, điều này không đáng lo ngại nếu các ngân hàng cần chú trọng vào các phân khúc phục vụ cho nhu cầu thực như nhà chung cư, nhà ở xã hội, còn đối với lĩnh vực đầu cơ phải xem xét kỹ.

"Những yếu tố rủi ro thời gian qua là bài học cho các ngân hàng, trong đó việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các dự án là rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải lựa chọn phân khúc có nhu cầu thật để tập trung vốn, tránh cho vay vào dự án có tính đầu cơ", đại diện VPBank nhận định.