Ngân hàng rao bán nhiều tài sản "lạ đời" để thu hồi nợ

Không chỉ bất động sản, ô tô, nhà xưởng, gần đây ngân hàng còn gây ngạc nhiên khi rao bán đấu giá cả quặng, phân bón...thậm chí là cả nhà tang lễ để thu hồi nợ.

Ngân hàng Agribank rao bán đấu giá tổng cộng 800 tấn quặng graphite của Công ty TNHH Việt Nam Carbon & Graphite (500 tấn) và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Lâm Ngọc (300 tấn). Đây là tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Agribank chi nhánh Tây Hồ.

Theo đó, số quặng này là dạng tinh thể khô, đóng gói trong bao và đã bàn giao cho ngân hàng tại chi nhánh Tây Hồ để xử lý tài sản đảm bảo.

nh4-1710119558.jpeg
Ngân hàng rao bán quặng để thu hồi nợ

Nhà băng đưa ra mức giá khởi điểm cho 500 tấn quặng graphite (hàm lượng carbon 92%-93%, mesh -100) là 4,611 tỷ đồng. Còn với 300 tấn quặng graphite (hàm lượng carbon 90% - 92%, mesh - 100), giá khởi điểm là 2,36 tỷ đồng. Mức giá này chưa bao gồm thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Agribank chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cũng thông báo bán đấu giá tài sản của khách hàng vay là Công ty TNHH SumaGrow Việt Nam. Sản phẩm được đưa lên “giỏ hàng” là phân bón hữu cơ. Lô hàng là tài sản thế chấp của SumaGrow Việt Nam cho khoản vay tại Agribank Thái Nguyên theo hợp đồng tín dụng ký vào năm 2020.

Cụ thể, tài sản đấu giá cho khoản nợ này là 89.482 lít phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng hiệu Sumagrow do Hoa Kỳ sản xuất. Tất cả lô hàng được đặt tại TP Cần Thơ. Mức giá khởi điểm cho lần đấu giá này là 245.000 đồng/lít.

Tiếp tục, Agribank chi nhánh Bắc TP.HCM đã thông báo lựa chọn tổ chức thẩm định giá khoản nợ của khách vay là CTCP Trương Thiên Hà theo hợp đồng tín dụng ký vào tháng 12/2018.

u88-1710119558.png
Phân bón hữu cơ được ngân hàng bán đấu giá để thu hồi nợ

Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 25/2 là hơn 203 tỷ đồng. Cụ thể, nợ gốc là 150 tỷ đồng và lãi gần 54 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có ba tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty trên. Trong đó bao gồm các công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu hoa viên và Nhà tang lễ thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Đây là công trình xã hội giữa doanh nghiệp và địa phương do Công ty Trương Thiên Hà làm chủ đầu tư. Khu hoa viên và Nhà tang lễ khởi công hồi tháng 6/2018 với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 4 ha gồm nhà tang lễ, nhà dịch vụ tổng hợp, tháp lưu cốt.

no99-1710119961.png
Mô phỏng Khu hoa viên và Nhà tang lễ thị xã Dĩ An

Agribank chi nhánh quận 5 rao bán khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia với tổng giá trị tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng. Chi tiết gây chú ý số nợ gốc chỉ 8 triệu đồng, còn lại là lãi phát sinh.

Thậm chí, người trúng đấu giá phải tiếp tục trả tiền lãi phát sinh kể từ sau ngày 12/9/2022, cho đến khi Khang Gia thanh toán hết khoản nợ gốc 8 triệu đồng.

Khoản nợ tạm tính đến ngày 12/9/2022 là gần 6,2 tỷ đồng nhưng Agribank chỉ mong muốn thu về hơn 3,6 tỷ đồng trong lần rao bán này. Như vậy, mức giá đã giảm gần một nửa.

Trước đó, việc thu hồi nợ của các nhà băng được bàn tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Đa số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc các ngân hàng khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nguyên nhân, do gần đây, hoạt động thu hồi nợ của các công ty mua bán nợ gần như đóng băng, thị trường mua – bán nợ gần như không có khách.

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia Việt Nam), nợ xấu trong hoạt động cho vay là một thách thức lớn với các ngân hàng thương mại khi khách không trả nợ đúng hạn hoặc không trả được nợ.

Nó gây rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nhà băng. Nợ xấu gây tổn thất về tài sản và lợi nhuận, vì vậy cần được xử lý một cách hiệu quả để bảo đảm hoạt động cho vay được bền vững. Từ đó, ông Thanh đưa ra các biện pháp xử lý nợ xấu:

Một là tái cơ cấu các khoản nợ.

Hai là đẩy mạnh việc thu hồi nợ trực tiếp.

Ba là xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bốn là bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản.

Năm là sử dụng biện pháp pháp lý để xử lý.

Cuối cùng, ông Thanh nhấn mạnh, để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong việc xử lý nợ xấu, cần nghiên cứu và cải thiện các phương pháp, chính sách và quy trình liên quan. Sự cải tiến trong xử lý nợ xấu sẽ góp phần đảm bảo hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại diễn ra an toàn và hiệu quả, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành này.