Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm, cho vay bất động sản liệu có thay đổi?

Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, đã có 7 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Theo các chuyên gia, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm khiến các nhà băng rục rịch tăng lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn.

Sau những đợt điều chỉnh hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm đang quay trở lại. Từ đầu tháng 5 đã có 7 ngân hàng trở lại cuộc đua lãi suất. Mức điều chỉnh tăng trung bình 0,2-0,3%/năm, tuỳ kỳ hạn.

Mới nhất, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacAbank) vừa công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với việc điều chỉnh tăng 0,15 điểm % tại các kỳ hạn 6 - 11 tháng, và tăng 0,25 điểm % tại kỳ hạn 12-18 tháng. 

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa tăng mạnh lãi suất huy động với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng “nối gót” điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1 – 12 tháng. Trước đó, nhà băng này cũng đã tăng lãi suất huy động vào cuối tháng 4.

lai-1715128244.jpeg

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5.

Ngay sau kỳ nghỉ lễ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.

Trong cùng một ngày 3/5, có ba nhà băng tăng lãi suất. Đầu tiên là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức tăng lên tới 0,35 điểm%.

Tiếp theo, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng thay đổi lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6 - 10 tháng và 12 - 36 tháng với mức tăng thêm 0,2 điểm %; lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,1 điểm %.

Còn lại, Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank) đã công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng đáng kể tại các kỳ hạn 6 - 36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3 điểm %.

Trước đó, trong tháng 4 vừa qua, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, danh sách này bao gồm: HDBank, MSB, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, Eximbank, NCB, Bac A Bank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.

lai-suat-1715128244.jpeg

Theo chuyên gia kinh tế, lãi suất tiết kiệm tăng đến khi lãi suât cho vay tăng theo cần độ trễ 2-3 tháng.

Theo các chuyên gia, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm và tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.

Trước động thái này của các nhà băng, nhiều người dân lo ngại lãi suất cho vay mua bất động sản sẽ sớm tăng trở lại. Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, lãi suất tiết kiệm tăng là bởi các ngân hàng đang giữ chân khách hàng. Nguyên nhân, thời gian qua lãi suất huy động hạ nhiệt mạnh nên nhiều người dân rút tiền ra khỏi nhà băng để “đổ” vào các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 rất thấp. Nhưng đến cuối tháng 4 sang đến đầu tháng 5, các ngân hàng có thể đã nhận thấy đầu ra của tín dụng đã khả quan hơn, nên cho vay nhiều hơn. Vì vậy, nhà băng cần phải huy động vốn nhiều hơn để cho vay.

Vị chuyên gia nhận định, hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn rất thấp. Các ngân hàng điều chỉnh tăng ở mức trung bình 0,2-0,3%/năm và chỉ tại một số kỳ hạn. Vì vậy, động thái này sẽ khó tác động sớm và ngay tới lãi suất cho vay mua nhà. Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng tăng đến khi lãi suất cho vay tăng theo cần độ trễ từ 2-3 tháng. 

Với việc các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng để ghi nhận chỉ số tăng trưởng, cả lãi suất huy động và cho vay đều sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Trong đó, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng tối đa 1%/năm, tùy vào từng kỳ hạn.