Khó khăn khi nói tiếng mẹ đẻ
Cứ 15h mỗi ngày, chị Lê Thị Quỳnh Anh (Đống Đa, Hà Nội) lại đón con trai từ trường mầm non đến nơi học nói. Con trai chị Quỳnh Anh năm nay vào lớp 1, tuy nhiên khả năng diễn đạt câu từ bằng tiếng Việt rất hạn chế. Thấy con nói tiếng Việt yếu, lo lắng, chị đã đưa đi khám nhưng kết luận là bé bình thường.
Chị Quỳnh Anh cho biết, so với nhiều trẻ bằng tuổi, con chị dường như còn biết nhiều hơn khi có thể đếm và nhận biết từ 1 đến 100. Các phép cộng trong khoảng 10, bé đều làm được. Bé có thể nhớ mặt chữ rất tốt. Chỉ duy có nói là bé kém hơn hẳn bạn đồng trang lứa. Bù lại, con chị lại diễn đạt được ý bằng cả một đoạn tiếng Anh dài. Thậm chí, bé còn nhớ được nhiều chữ bằng tiếng Anh.
Chị Quỳnh Anh cho hay, con chị giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt là do bé xem điện thoại quá nhiều. Ngày thường, vợ chồng chị đều bận rộn nên không chú ý kiểm soát được thời gian con xem, cũng như dành thời gian nói chuyện với bé.
Trường hợp các con của chị Ngọc Huyền (quận 8, TP. HCM) lại khó khăn trong cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt vì học tại trường quốc tế từ bậc mầm non. Chị Huyền chia sẻ, chị rất hoảng khi hai con ở nhà cãi nhau bằng tiếng Anh, nói với bà ngoại bằng tiếng Việt lơ lớ. Còn khi ra đường, các bé đọc biển quảng cáo tiếng Việt đều bằng thanh ngang. Hiện tại, mỗi tháng chị phải chi vài triệu đồng cho 2 con trai (8 tuổi và 11 tuổi) của mình - là người Việt - để học thêm… tiếng Việt.
Chị Huyền cho hay, nhiều bạn bè của chị cũng chung tình cảnh con từ sáng tới chiều học ở trường quốc tế, còn từ chiều tới tối lại đi học thêm tiếng Việt vì nhiều em gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
Học lớp 3 rồi, nhưng Minh Tuấn - học sinh tiểu học tại Hà Nội có rất ít bạn bè vì không nói tốt tiếng Việt. Trong lớp, Tuấn hầu như rất ít nói chuyện với các bạn do có nhiều từ tiếng Việt em không hiểu.
Mẹ Tuấn - chị Nguyễn Thị Nhung cho biết, mong muốn con có thể nói tiếng Anh như người bản xứ, nên từ khi Tuấn mới 2 tuổi, chị đã tạo môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh cho con. Chị chỉ cho con tiếp xúc với ngôn ngữ tiếng Anh qua các video, học với giáo viên người bản xứ, ở nhà cha mẹ cũng nói tiếng Anh với con. Sau đó, chị cho con học ở môi trường có các bé nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Từ đó, con rất ít nói tiếng Việt.
Tuấn lớn lên trong môi trường tiếng Anh và chơi với các bạn cũng nói tiếng Anh. Nhưng khi vào lớp 1 ở trường công, dù theo lớp tích hợp, Tuấn rơi vào tình cảnh nhiều lúc bé không biết cô giáo nói gì và bé cũng khó kết bạn.
Chị Nguyễn Thị Huyền My (Ba Đình, Hà Nội) - một phụ huynh có con "rành" tiếng Anh hơn tiếng Việt bộc bạch, con chị phải mất 5 năm tiểu học để "bồi dưỡng" tiếng Việt sau 6 năm đầu đời chỉ tiếp xúc với tiếng Anh. Hiện tại con chị vẫn suy nghĩ bằng tiếng Anh, đọc sách và xem phim, giải trí cũng bằng tiếng Anh. Bé không thích môn tập làm văn, đọc chính tả vẫn sai nhiều. Bé đặc biệt không thích đọc bằng tiếng Việt. Ngay cả nhiều bài toán bằng tiếng Việt, bé đọc cũng không hiểu đề. “Đó thực sự là hạn chế của con", chị My nói.
Phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ về học ngoại ngữ
Cô giáo Nguyễn Mai Hương (Trường Tiểu học Võ Văn Tần, quận 12, TP. HCM) cho biết, cô từng gặp rất nhiều trường hợp rối loạn ngôn ngữ vì bố mẹ cho con học ngoại ngữ quá sớm, trước khi biết tiếng Việt. Thậm chí, có trường hợp chuyển đến từ trường quốc tế, không thể giao tiếp bằng tiếng Việt với người thân. Theo cô Hương, trẻ nhỏ học song ngữ mà thời gian sử dụng ngoại ngữ nhiều hơn thì tiếng mẹ đẻ em sẽ chậm lại, từ đó gặp khó khăn với vốn từ tiếng Việt.
Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, do cha mẹ coi trọng việc trẻ nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi và bằng mọi giá chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, nên nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng lại khó hòa nhập với bạn bè vì không thể nói sõi tiếng Việt.
Theo bà Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa xã hội học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM), nhiều người nghĩ sống ở Việt Nam thì kiểu gì con cũng biết tiếng Việt nên bỏ qua chuyện dạy con học tiếng Việt.
Một số cha mẹ thì phụ thuộc vào các trường mầm non dạy ngôn ngữ cho con mình, trong khi một lớp mầm non công lập thường có trên 20 trẻ. Các cô giáo phải chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, dạy trẻ cả kiến thức và các kỹ năng. Do đó, việc dạy ngôn ngữ chỉ chiếm một phần trong thời lượng các buổi học của trẻ ở trường.
Những năm gần đây, nhiều tình trạng trẻ quá 3 tuổi vẫn bị loạn ngôn hay bị chậm nói ngày càng nhiều. Nhiều trẻ có thể bật ra được các từ tiếng Anh nhưng khi hỏi bằng tiếng Việt và đề nghị nói tiếng Việt thì nhất định không nói dù trẻ vẫn hiểu người lớn đang nói gì.
Tiến sĩ Dương Minh Thành - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm TP. HCM cho hay, việc phát triển ngôn ngữ của bé phụ thuộc khá lớn vào việc giao tiếp/giúp đỡ trong phạm vi gia đình và trường học. Do đó, phụ huynh và giáo viên cần gặp, trao đổi vấn đề của bé để thống nhất cách phối hợp để giao tiếp tiếng Việt của trẻ tốt lên.