Nghịch lý chợ cóc đông đúc, còn chợ xây dựng khang trang lại vắng hoe

Hiện nay có một thực trạng trái ngược là những khu chợ tạm, chợ cóc gây mất mỹ quan đô thị liên tục ra đời, thu hút đông đảo người mua, trong khi các khu chợ chính mất chi phí đầu tư xây dựng khang trang lại vắng bóng người mua bán.
cho-coc-1710376998.jpg
Chợ cóc xuất hiện ngày càng nhiều ở đô thị

 

Những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh với hàng trăm Khu đô thị mới được hình thành. Cùng với sự hình thành các khu đô thị thì chợ cóc, chợ tạm cũng “đi theo” đến đó. Theo số liệu thống kế, hiện nay các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng được hơn 50% địa bàn là có chợ.

 

Như phường Liễu Giai (quận Ba Đình) nằm giữa trung tâm Thủ đô nhưng gần 20 năm nay, người dân vẫn chịu cảnh không có chợ trên địa bàn. Nguyên nhân là do chưa có quỹ đất nên khu vực này vẫn chưa xây được chợ. Người dân muốn đi chợ thì đi phải sang phường khác. Hiện nay, các cửa hàng tiện lợi được mở nhiều hay địa bàn các phường san sát nhau nhưng việc không có chợ cũng gây bất tiện trong nhu cầu sinh hoạt của cư dân trên địa bàn.

Hệ thống chợ dân sinh chính quy thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến hình thành chợ cóc, chợ tạm... Một nguyên nhân nữa để chợ cóc, chợ tạm không thể dẹp bỏ đến từ người mua. Vị trí của những chợ này thường là vỉa hè hay một khoảng đất trống bên đường, khách hàng không cần phải vào chợ, không mất thời gian gửi xe, chỉ cần tấp vào ven đường là đã mua được đồ.

cho-1-1710321051.jpg
Chợ cóc lấn chiếm vỉa hè

Lướt qua các khu dân cư tại Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp chợ cóc trong nhiều con ngõ hay sân chơi. Như ở ngõ 90 Hoa Bằng (Cầu Giấy), khu vui chơi của trẻ nhỏ đã bị chợ cóc lấn chiếm. Tại nhiều nơi, tiểu thương còn bất chấp cả biển cấm, vẫn công khai ngồi bán hàng.

Chợ cóc, chợ tạm thì đông là thế, trong khi nhiều ngôi chợ truyền thống được xây khang trang lại vắng hoe. Thậm chí, Hà Nội có nhiều khu chợ được đầu tư cơ sở hạ tầng tiền tỷ nhưng chưa được đưa vào sử dụng hoặc đã đưa vào sử dụng nhưng lại chẳng được tiểu thương mặn mà.

Chợ Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào sử dụng khoảng 6 năm trước. Nhưng chỉ sau 2 tháng hoạt động, toàn bộ tiểu thương đã hoàn trả mặt bằng. Đến nay, thay vì là nơi họp chợ thì lại thành nhà kho, sân tập thể thao và bãi rửa xe bất đắc dĩ… Thậm chí, bãi rác tự phát mọc ngay trước cổng chợ. Trong khi cách chợ Lĩnh Nam chưa đầy 300m, một số tiểu thương lấn chiếm toàn bộ khu vực vỉa hè để buôn bán. Họ đều từ chối họp trong chợ mới.

cho-3-1710321109.jpg
Nhiều năm qua, chợ Phú Đô vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Chợ cóc, chợ tạm có thể tiện với người mua, tiết kiệm chi phí mặt bằng cho người bán. Thế nhưng không phải tiểu thương nào cũng muốn kinh doanh tại những chợ như vậy. Đơn cử như các tiểu thương tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) có chợ mà không thể vào buôn bán. Họ phải dạt vào khu chợ tạm lụp xụp nằm sát vách chợ mới. Nhiều năm qua, chợ Phú Đô vẫn "cửa đóng, then cài" mặc cho cơ sở hạ tầng xuống cấp.

Thực trạng trái ngược hiện nay, những khu chợ tạm, chợ cóc liên tục “ra đời” gây mất mỹ quan đô thị, còn các khu chợ chính mất chi phí đầu tư lại vắng bóng người gây lãng phí lớn, không biết đến khi nào mới được giải quyết.