Nghịch lý nhà ở cho công nhân: Nhu cầu nhiều nhưng dự án xây ra vẫn “ế”

Hiện nay, cả nước có 416 khu công nghiệp nhưng từ nhiều năm nay, nhưng tỉ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại đây mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Tuy nhiên, phần lớn trong số này bị tồn kho, do người lao động không mua.

Theo khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn hồi đầu năm 2023, có tới 90% công nhân di cư phải thuê trọ tại khu dân sinh với điều kiện chật hẹp, ẩm thấp, không đảm bảo tái tạo sức lao động, không đảm bảo sinh hoạt lâu dài. Đây là lực lượng làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng vẫn không có một ngôi nhà để an tâm lập nghiệp.

Thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, nước ta có khoảng 4,2 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng gần 2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, kết quả phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu.

nha-o-cho-cong-nhan-1716031916.jpg
Nhà ở dành cho công nhân là nhu cầu bức thiết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Cụ thể, đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích hơn 3,1 triệu m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8,045 triệu m2.

Kết quả điều tra của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, có tới 41% công nhân trong các doanh nghiệp mong muốn có nhà ở phù hợp, giá rẻ, gần nơi làm việc, đảm bảo sinh sống.

Dù khó khăn về nhu cầu nhà ở nhưng có 1 nghịch lý là nhà ở cho công nhân làm ra lại không thể bán cho ngườ lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Điển hình như ở tỉnh Bắc Ninh, đang triển khai đầu tư 22 dự án nhà ở công nhân, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành, 15 dự án chuẩn bị xây dựng, quy mô xây dựng 31.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 105.000 người.

Thế nhưng, người lao động tại các khu công nghiệp lại không mặn mà với việc mua nhà. Cụ thể, trong số 7 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần tại Bắc Ninh đã cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 căn hộ hoàn thiện, chủ đầu tư đã rao bán gần 1.700 căn hộ nhưng số lượng đăng ký mua nhà rất ít, hiện 7 dự án đang “ế” 1.324 căn nhà.

Nguyên nhân của tình trạng này được UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, do đa số công nhân là người ngoại tỉnh, có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí công việc. Đặc biệt, thu nhập của công nhân còn thấp, nên việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở công nhân chậm hơn dự tính.

nha-o-cong-nhan-bi-e-1716032165.jpeg
Tỉnh Bắc Ninh được xem là thủ phủ khu công nghiệp nhưng hiện vẫn "ế" hơn 1.300 căn nhà ở cho công nhân

Làm rõ thêm vấn đề của UBND tỉnh Bắc Ninh đặt ra, TS.Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có mức thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng/tháng, khả năng tích lũy để mua nhà gần như không có, trong khi tiếp cận vốn vay lại không đạt tiêu chuẩn của ngân hàng.

Có nhiều trường hợp có mức thu nhập cao hơn thì lại vướng điều kiện thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, hoặc trường hợp đã có nhà ở quê cũng cũng không được mua nên đành ngậm ngùi từ bỏ ước mơ về căn nhà riêng.

Bổ sung thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế” nhà ở công nhân, tại một Hội nghị về nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, từ năm 2010 đến nay, công ty đã đầu tư và hoàn thành khoảng 8.000 căn hộ, nhà ở cho công nhân, hiện đang chuẩn bị xây dựng thêm 9.000 căn hộ nữa.

Tuy nhiên, trong số 8.000 căn hộ hoàn thành của công ty, mới chỉ đưa vào sử dụng được 5.000 căn, tồn kho 3.000 căn. Số căn không bán được chủ yếu là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi giá bán chỉ 250-600 triệu đồng/căn có diện tích 26-60m2, giá thuê 1,2-2,4 triệu đồng/tháng/căn hộ dành cho 2-4 người, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dịch vụ đầy đủ không thua kém nhà ở thương mại.

Theo ông Ngọc Anh, chất lượng và giá thành như vậy là rất hợp lý đối với phân khúc nhà ở công nhân, nhu cầu nhà ở của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng rất lớn nhưng hiện nay, các dự án đang vướng quy định chỉ công nhân trong khu mới được mua.

Theo các chuyên gia, để tạo điều kiện hơn cho công nhân mua nhà, cần có nghiên cứu khảo sát tính toán về mức chi tiêu cho cuộc sống của người dân ở các đô thị, thậm chí từng vùng để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế cho phù hợp. Có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, khi đó mức giảm trừ có thể điều chỉnh theo từng năm. Bên cạnh đó, mở rộng hơn điều kiện, đối tượng được mua nhà, cũng như tạo điều kiện tiếp cận những nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi dành cho người thu nhập thấp.