“Chợ đen” sôi động
Phiên giao dịch ngày 21/7, tuy Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh nghỉ giao dịch nhưng các công ty khác như PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu…vẫn mở cửa mua bán vàng. Theo đó, giá vàng SJC mua vào – bán ra được các doanh nghiệp giữ nguyên tại mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn có giá mua vào 75,7 triệu đồng/lượng, bán ra 77,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, qua 1 tuần giao dịch, nếu so với mức giá của ngày đầu tuần (15/7) là 76,98 triệu đồng/lượng giá vàng miếng SJC bán ra đã tăng hơn 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn có lúc lên tới 77,6 triệu đồng/lượng, sau đó lại lao xuống 77,1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh vàng đều thông báo hết vàng miếng SJC, nhiều cửa hàng phải tạm dừng nhận khách đến giao dịch vàng nhẫn chỉ sau khi mở bán ít phút. Trong khi đó, muốn đặt vàng miếng trên website của các đơn vị chính thống cũng không hề đơn giản, ngay cả khi thành công thì cũng chỉ mua được 1 lượng và có thể bị hủy nếu đến muộn.
Khảo sát một vòng quanh các tiệm vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều nhân viên cho biết, vàng nhẫn đã khan hàng trong nhiều tháng qua, thường “không có sẵn hàng”, khách có nhu cầu có thể đặt cọc, 10-15 ngày sau sẽ có hàng, nhưng không chắc chắn thời gian cụ thể.
Một số khách hàng cho biết, tìm hiểu trên mạng xã hội, có nhiều hội nhóm nhận đặt hộ suất mua vàng, đảm bảo thành công với chi phí dao động từ 300.000 – 1,5 triệu đồng/lần đặt chỗ thành công. Cũng tại các hội nhóm này, nhiều thông tin giao dịch vàng miếng, vàng nhẫn cũng diễn ra sôi nổi với mức giá khoảng 82,5 – 83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), hoặc thỏa thuận.
Không chỉ trên mạng xã hội, trước đó, tại thời điểm giá vàng SJC vẫn “bất động” tại mức giá 76,98 triệu đồng/lượng, tại con phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi được xem là “phố tài chính” của thủ đô vẫn tập nập đến giao dịch tại các cửa hàng vàng.
Phần lớn chủ cửa hàng đều thông báo không mua - bán vàng miếng SJC, nhưng sau khi dò hỏi khách hàng, nếu cảm thấy không đáng ngờ, chủ tiệm lại chào mời mua - bán vàng kín đáo với giá cao, từ 79 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào). Mức giá mua vào này cao hơn khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng so với giá mua vào của SJC tại kênh chính thống.
Một số chủ tiệm vàng cũng cho biết, nguồn gốc của vàng miếng SJC giao dịch trên thị trường tự do là từ người sau khi đã xếp hàng mua vàng miếng ở ngân hàng thành công đem ra các cửa hàng này bán lại để hưởng chênh lệch về giá.
Đồng thời khẳng định, nguồn cung không nhiều, nhưng nếu khách hàng ngỏ ý muốn mua nhiều (trên 10 lượng), không ít chủ tiệm vẫn chèo kéo 1 cách kín đáo, không quên tiết lộ mua bao nhiêu cũng có.
Rủi ro lớn khi mua vàng kênh không chính thống
Nhận định về nghịch lý trên thị trường vàng, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho biết, vàng miếng thì khó khăn rõ ràng rồi còn đối với vàng nhẫn thì không phải bây giờ mới xuất hiện tình trạng “cháy hàng”, mà nó đã kéo dài âm ỉ nhiều tháng nay.
Nhiều người dân tìm đến các thị trường không chính thức, một phần vì khó mua tại các doanh nghiệp lớn, phần còn lại khi được giao dịch với giá thỏa thuận sẽ có lợi hơn cho cả người bán lẫn người mua, nhưng đây là một hình thức mua – bán rủi ro rất lớn.
Ông Phương cho rằng, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để phân biệt đâu là vàng thật đâu là vàng giả, nên khả năng bị mua phải hàng giả là rất cao. Hoặc những người mua vàng nhẫn tròn trơn kiểu trao tay, không có chứng từ hóa đơn, tưởng “vớ được món hời” nhưng đến khi đem bán sẽ rất khó vì không thể chứng minh nguồn gốc. Thậm chí, có người khi đi bán vàng mới biết lâu nay mình cất trữ vàng giả, vàng kém chất lượng.
Bổ sung thêm về những rủi ro mà người mua có thể gặp nếu giao dịch trên “chợ đen”, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, mỗi miếng vàng SJC được bán cho người dân đều đã được “định danh”, ngay cả với vàng nhẫn trong bối cảnh phải xuất hóa đơn điện tử như hiện nay cũng đều rõ ràng về nguồn gốc. Nếu mua hàng trôi nổi, khi cần tiền phải thanh khoản, người mua sẽ bị ép giá, thậm chí không thể bán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân có nhu cầu mà không mua được vàng đã dần dần hình thành thị trường “chợ đen”. Thị trường chỉ có thể bình ổn nếu nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục biến động, nguồn cung trong nước hạn hẹp, dễ xảy ra hiện tượng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ và sẽ lại ảnh hưởng đến tỉ giá và lạm phát. Do đó, để thị trường vàng ổn định bền vững, NHNN cần xem xét một phương án hiệu quả khác, trong đó có thể cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.