Nghìn người đổ về khai hội ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là có thêm chương trình trao Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” từ đại diện Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards).

Lễ khai hội Chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vừa diễn tra trong sáng 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng).

Điểm nhấn của lễ hội năm nay là có thêm chương trình trao Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” từ đại diện Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards).

Theo tìm hiểu, Chùa Tam Chúc nằm trong quần thể di tích danh lam thắng cảnh Tam Chúc, được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích hơn 5.100ha, gồm cả đất liền và mặt nước.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật giáo Việt Nam, kết hợp với những nét đặc trưng của các nền văn hóa Phật giáo khác như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan...

Đặc biệt, Chùa Tam Chúc chính là nơi tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019, thu hút hàng triệu Phật tử và du khách trong và ngoài nước đến tham dự.

Hàng năm, vào những ngày đầu năm mới, Chùa Tam Chúc luôn trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn đi du lịch kết hợp văn hóa tâm linh.

Theo thông tin từ Sở Văn hoá thể thao và Du lịch Hà Nam, để giành được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), Hà Nam đã phải vượt qua nhiều “đối thủ” xuất sắc khác như thành phố George Town (Malaysia), thành phố Gjirokastër (Albania), thung lũng Kathmandu Valley (Nepal), thành phố Oaxaca (Mexico).

Ghi nhận thực tế của Đô thị mới cho thấy, để tránh tình trạng ùn tắc như mọi năm, Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc đã phối hợp lực lượng chức năng huyện Kim Bảng lên phương án hướng dẫn, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông cho khách đến du xuân, đồng thời bố trí các thuyền và xe buýt để phục vụ du khách, chia nhiều điểm tư vấn bán vé du lịch kết hợp việc thanh toán trực tuyến, niêm yết công khai các loại phí, giá dịch vụ.

Chia sẻ với Đô thị mới, một số du khách bày tỏ, Lễ hội Xuân Tam Chúc là biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của văn hóa cội nguồn. Đồng thời cũng là dịp hun đúc niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.