Thông tin trên vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi cuối ngày 2/6. Như vậy có 5 đơn vị cùng tham gia vào nhiệm vụ bình ổn thị trường, kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ.
Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp kinh doanh vàng 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, được NHNN lấy thương hiệu để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm về chất lượng.
“Việc tham gia của SJC sẽ bổ sung thêm số lượng đơn vị tham gia bán vàng trực tiếp tới người dân", NHNN cho biết.
Địa điểm bán vàng đã được Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và SJC cập nhật trên website chính thức. Về thời gian, hôm nay (3/6) các ngân hàng sẽ bắt đầu bán hàng từ 14h30, còn từ 4/6 trở đi thời gian mở cửa từ 9h; còn tại SJC sẽ mua bán theo thời gian cụ thể từng chi nhánh. Người mua cần đem theo giấy tờ tùy thân đến trực tiếp các địa điểm để giao dịch; giá bán sẽ căn cứ vào giá mua từ NHNN, sẽ được công khai trên website và tại các địa điểm bán.
Đáng lưu ý, các ngân hàng chỉ thực hiện bán vàng miếng SJC cho khách hàng cá nhân và không thực hiện mua lại, trong khi Công ty SJC thực hiện tất cả các giao dịch mua – bán. Việc bán hàng của 5 đơn vị này đều vì mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Lý giải nguyên nhân các ngân hàng chỉ bán mà không mua vàng, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia phân tích, Giám đốc Think Future Consultancy cho biết, tăng nguồn cung, giảm giá bán chính là mục đích của NHNN để thực hiện bình ổn thị trường vàng trong nước, thu ngắn khoảng cách với giá thế giới. Do đó, các ngân hàng chỉ bán ra để tăng cung, giá bán từ các ngân hàng rẻ hơn thì bên ngoài sẽ phải giảm theo.
Ngay sau những động thái của NHNN, giá vàng SJC trong nước đã quay đầu giảm mạnh. Hiện đang giao dịch ở mức giá 81 – 83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Đây là mức giá thấp nhất kể từ ngày 9/4 tới nay.
Bên cạnh động thái của NHNN, xu hướng đảo chiều của giá vàng trong nước cũng đến từ đà giảm của thế giới. Tính đến phiên giao dịch ngày 1/6, giá vàng thế giới đã giảm về 2.326 USD/ounce, tương đương khoảng 71,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng đang dần được thu hẹp về ngưỡng 12 triệu đồng/lượng, giảm trung bình khoảng 8 triệu đồng so với giai đoạn đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 vừa qua.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng quốc doanh nhằm sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững. Các ngân hàng này có mạng lưới rộng khắp và đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh các yếu tố cung cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng. Do đó, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Phía NHNN sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, thế hệ “mê vàng” sẽ giảm dần, do đó cầu về vàng cũng không thể tăng mãi. Ngoài ra, nhìn về dài hạn, thị trường bất động sản sẽ phục hồi, người dân sẽ nhận thấy gửi tiết kiệm vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Từ đó kéo theo việc giá vàng sẽ tiếp tục giảm.
Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có tâm lý chạy theo số đông. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư là có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại, không chỉ trong vàng mà cả những tài sản khác.
Do vậy, trong bối cảnh giá vàng chưa ổn định hiện nay, ông Hiển và một số chuyên gia khác khuyến nghị, các nhà đầu tư và ngươi dân nên cân nhắc trước khi giao dịch, thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn.