Lãi suất chạm đáy, tiền gửi đổ vào nhà băng quay đầu giảm

Theo số liệu mới nhất của NHNN, sau một thời gian dài tăng liên tục, đến cuối tháng 1/2024, tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp đều quay đầu giảm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 1/2024, tổng tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm 2023 (tương ứng 34.000 tỷ đồng). Còn các tổ chức đạt 6,676 triệu tỷ đồng, giảm tới 2,41% so với cuối năm ngoái (tương ứng giảm 165.000 tỷ đồng).

Như vậy, lượng tiền gửi nói chung giảm gần 200.000 tỷ đồng trong tháng 1. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 năm qua lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng bị sụt giảm sau thời gian dài liên tục đạt kỷ lục mới.

lai-suat-1714124096.jpeg
Lãi suất huy động liên tục giảm xuống mức thấp nhất trong một thời gian dài khiến kênh tiết kiệm ngân hàng kém hấp dẫn.

Trước đó, mặc dù lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm từ tháng 3-2023, nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn liên tục tăng, tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

 Các ngân hàng đều công bố năm 2023, lượng tiền gửi tăng mạnh so với năm 2022. Tổng tiền gửi của cả dân cư và tổ chức vào hệ thống nhà băng đến hết tháng 11/2023 đạt gần 13,2 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) do các nhà băng nắm giữ đến hết tháng 1 đạt gần 16 triệu tỷ đồng.

Nhưng theo số liệu của NHNN, trong tháng đầu năm nay, người dân rút khỏi hệ thống ngân hàng 34.643 tỷ đồng. Vào tháng trước đó, người dân cũng rút 61.643 tỷ đồng. 

Nguyên nhân khiến kênh tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn trong mắt khách hàng được cho là do lãi suất huy động liên tục giảm xuống mức thấp nhất trong một thời gian dài.

Về việc này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho biết mặt bằng lãi suất đang thấp nhất trong 20 năm qua. Báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, đến ngày 31/3/2024, lãi tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm ngoái. Đối với lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái. Đà giảm lãi suất kéo dài từ tháng 4/2023 khiến lãi suất tiết kiệm xuống đáy, thậm chí thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi thấp kỷ lục.

Hiện không nhiều ngân hàng trả lãi suất 5%/năm cho khoản tiền gửi 12 tháng.  Tại 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank, mức cao nhất chỉ 4,6-4,8%/năm. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất kỳ hạn dài từ 12 tháng cao hơn 0,1-0,2%/năm so với ngân hàng có vốn nhà nước, tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng là 4,8%/năm.

nh-1714124096.jpg
Đến hết tháng 1/2024, tổng tiền gửi của dân cư đạt 6,498 triệu tỷ đồng.

Từ đầu tháng 4 đến nay mới ghi nhận một số nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất 6%/năm chỉ xuất hiện tại một vài ngân hàng đó là: Oceanbank (6,1%/năm ở kỳ hạn 36 tháng), OCB (6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng)…
Nhận định thêm về việc lượng tiền gửi của người dân đang giảm, các chuyên gia cho rằng kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Mặt khác, họ đang có xu hướng lựa chọn kênh đầu tư không những bảo toàn được tài sản mà còn sinh lời, trong bối cảnh lãi suất tiền VND chạm đáy, còn vàng và tỷ giá tăng mạnh.

Đưa ra dự báo lãi suất trong thời gian tới, PGS TS Lê Thanh Tâm, Trưởng Bộ môn Ngân hàng thương mại, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, những quý còn lại của năm, lãi suất cho vay có xu hướng giảm chậm, còn lãi suất huy động có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn. 

Bà Tâm phân tích, lãi suất huy động có xu hướng giảm là do hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của NHNN. Từ đó, khách hàng vay vốn có cơ sở để so sánh và thỏa thuận với nhà băng, mặc dù lãi suất với từng khách hàng vay khác nhau do phần bù rủi ro cũng khác. Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang khó khăn vì vậy họ không thể vay với lãi suất cao mà vẫn có lãi.

Đối với lãi suất huy động, một số kỳ hạn có xu hướng “nhỉnh” ở mức nhất định, đặc biệt với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm vì mặt bằng lãi suất này đã tương đối thấp. Trong khi, giá vàng, bất động sản và ngoại tệ đang tăng cao nên một số khách hàng rút tiết kiệm để chuyển sang kênh đầu tư khác.

Đồng thời, từ đầu tháng 7 năm nay, lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu vùng sẽ tăng và lạm phát có nguy cơ tăng lên. Do vậy, nếu lãi huy động ở mức quá thấp, lãi suất thực có thể bị âm, gây tác động ngược (tiêu cực) với người dân và nền kinh tế.

Bà Tâm nói thêm, các ngân hàng thương mại hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tiền gửi, còn các kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, vay liên ngân hàng hay vay quốc tế còn tương đối hạn chế.