Cháy hàng bếp cồn, bếp gas mini
Trưa 10/9, đọc được thông tin báo động lũ trên sông Hồng, chị Trần Thị Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) vội tranh thủ đi mua bếp gas mini. Chị Thúy cho biết, tất cả thiết bị đun nấu ở nhà chị đều dùng điện, nếu bị cắt điện thì không thể nấu ăn được. Nhà có con nhỏ, chị phải phòng trước trường hợp mất điện thì vẫn có thể nấu cháo được cho con.
Tối 10/9, chị Nguyễn Thu Trang (quận Tây Hồ) cũng đặt một chiếc bếp gas mini giá 270.000 đồng cùng vài bình gas nhỏ. Chị còn mua thêm cả 1 đèn tích điện với giá 80.000 đồng. Chị Trang cho hay, phải chuẩn bị trước để yên tâm. Chị xem các clip nhiều điểm ngập lụt, người dân đều bảo lũ lên rất nhanh. Do đó, có sẵn thực phẩm, bếp nấu, đèn chiếu sáng sẽ yên tâm hơn.
Tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy, không chỉ bếp gas mini mà bếp cồn cũng được người dân mua rất nhiều, thậm chí cháy hàng. Nhân viên siêu thị cho biết, các sản phẩm cồn khô, cồn dạng thạch cũng được tiêu thụ với số lượng lớn. Trong khi, chủ một cửa hàng gia dụng ở phường Xuân La cũng cho hay, lượng người mua bếp gas mini đã tăng vọt từ sáng ngày 10/9. Hơn 21h cùng ngày, anh vẫn đi giao hàng.
Trả lời báo chí, ông Lê Quang Vũ - Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Media Mart thông tin, nhu cầu mua bếp gas mini, bếp cồn đã xuất hiện từ ngày 6/9 khi bão Yagi sắp đổ bộ. Các mặt hàng như sạc dự phòng, quạt tích điện cũng được mua nhiều. Mấy ngày qua, doanh số các mặt hàng này đã tăng hàng chục lần do người dân mua dự phòng mất điện.
Người dân lại tích thực phẩm
Từ chiều ngày 10/9, người dân ở một số khu vực của Hà Nội đã tới siêu thị, chợ để mua thực phẩm tích trữ. Tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, lượng khách hàng ra vào tăng đột biến. Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thực phẩm, rau xanh, thịt lợn, thịt bò, cá…
Những dãy xe đẩy xếp hàng dài chờ thanh toán. Hàng hóa cũng được nhân viên liên tục đưa ra kệ bán. Do lượng người đổ về siêu thị đông, nên đôi lúc một số kệ rau xanh, thực phẩm ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ.
Tương tự, tại hệ thống siêu thị WinMart, khách hàng kéo đến mua khá đông. Mặt hàng được chọn mua chủ yếu vẫn là rau xanh, thịt lợn... Nhu cầu mua tăng mạnh nhưng tại các siêu thị này không có tình trạng tăng giá.
Một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng, các sạp hàng bán rau xanh, thịt lợn, thực phẩm nhanh chóng hết hàng do lượng khách mua nhiều. Tuy nhiên, sau bão số 3, nhiều địa phương mưa lớn, ngập sâu khiến rau hư hỏng nặng, dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Do vậy, ở các chợ tại Hà Nội, các mặt hàng rau xanh có xu hướng tăng giá.
Bà Lâm - tiểu thương tại chợ cóc ngõ 189 Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) cho hay, 3 ngày gần đây, rau xanh khan hàng. Bà ra chợ đầu mối cũng không thể nhập được hàng dù giá đắt gấp 2 - 3 lần. Để có hàng bán, bà phải tìm mối quen ở thị xã Sơn Tây.
Bà Lâm cho biết thêm, cải chíp, củ quả là mặt hàng ít tăng giá nhất, còn lại đều tăng mạnh như rau mồng tơi 15.000 đồng/bó (tăng 7.000 - 8.000 đồng/bó), rau dền 17.000 đồng/bó (tăng 6.000 - 7.000 đồng/bó), bắp cải 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg)...
Chị Nguyễn Thị Hoa (Thanh Xuân) thường xuyên đi chợ cho hay, bình thường rau muống chỉ 10.000 đồng/bó, cà chua 35.000/kg thì sau bão đã tăng lên 20.000 đồng/bó, còn cà chua lên 45.000 đồng/kg. Mỗi bó rau cải cũng được bán 12.000 đồng trong khi bình thường khoảng 7.000 đồng. Rau mồng tơi khoảng hơn 20.000 đồng/bó, gấp đôi bình thường. Hành lá có giá 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước bão. Các loại củ quả khác như su su, bắp cải, cà rốt... tăng nhẹ so với trước.
Trước tình trạng người dân tái diễn tích trữ lương thực, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Bộ khuyến cáo, người dân bình tĩnh, phối hợp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, dự trữ nguồn như yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, bão Yagi đã chứng minh các đơn vị cung ứng của Hà Nội đã làm rất tốt để bảo đảm cuộc sống của nhân dân khi trước và sau bão, siêu thị và chợ vẫn mở cửa, hàng hóa rất dồi dào.
Theo bà Bùi Thị An, nếu xảy ra ngập lụt chắc chắn ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt, nhưng người dân không nên hoang mang, đổ xô tích trữ lương thực. ''Hãy chuẩn bị thật kỹ những thứ cần thiết, nhưng với tâm thế bình thường, không nên lo lắng'', bà An chia sẻ.
Thời điểm 8h40 sáng nay (ngày 11/9), lũ trên sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) đạt mức 11m, vượt qua mức lũ kỷ lục năm 2008. Dự báo đến trưa nay, lũ trên sông Hồng tiếp tục lên. Mực nước lũ cao nhất cho thể đến gần báo động 3. Sau đó từ đêm nay, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội xuống chậm và ở dưới mức báo động 2.
Sáng 11/9, UBND quận Ba Đình cũng đã phát đi cảnh báo, đề nghị người dân hạn chế di chuyển vào các tuyến phố tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) do ngập úng. Hiện nay các tuyến phố khu vực này nước dâng cao, đi lại rất khó khăn. Dự báo nước sẽ còn tiếp tục dâng cao trong thời gian tới, do đó UBND quận Ba Đình đề nghị các phương tiện cá nhân không có nhiệm vụ hạn chế tối đa đi vào khu vực này.