Xử phạt không đăng ký đất đai: Cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai để có chế tài phù hợp!

Theo các chuyên gia quy định này giúp công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai được thực hiện tốt hơn. Nhưng trong quá trình áp dụng xử phạt phải xác định rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước người dân hay chủ đầu tư để có chế tài phù hợp trong điều kiện thực tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó quy định về mức xử phạt không đăng ký đất đai. Theo đó, Dự thảo Nghị định đề xuất, phạt tiền từ 6 - 10 triệu đồng nếu cá nhân sử dụng đất từ sau ngày 5/01/2020 mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu tại khu vực đô thị. Đối với tổ chức vi phạm mức xử phạt tiền bằng 2 lần với cá nhân.

Cụ thể, trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại khu vực nông thôn thì mức xử phạt như sau: Phạt từ 2-3 triệu đồng nếu sử dụng đất trước ngày Nghị định số 91 có hiệu lực (5/1/2020) mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu; Phạt từ 3-5 triệu đồng nếu sử dụng đất từ sau ngày 5/1/2020.

dang-ky-1712811353.jpg
Dưới góc độ pháp lý, việc cá nhân, tổ chức không đăng ký đất đai theo quy định còn gây ra nhiều hệ luỵ.

Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt cụ thể như sau: Trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 133 Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động phạt 2-3 triệu đồng. Nếu quá thời hạn trên mà không thực hiện đăng ký biến động mức phạt từ 3-5 triệu đồng.

Dự thảo cũng nêu, trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định nêu trên.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, tình trạng người dân không đăng ký đất đai lần đầu đang diễn ra rất phổ biến do nhiều nguyên nhân bất khả kháng. Theo đó, trường hợp vướng mắc không đủ điều kiện làm sổ đỏ hiện rất nhiều, trong đó rắc rối chính là chưa rõ ràng về đất đai. Người dân mong muốn được gỡ vướng nhưng các cấp chính quyền địa phương cũng không đủ cơ sở giải quyết. Vì vậy, cần có cơ chế vừa tuyên truyền và giải pháp lộ trình để người dân bắt kịp là rất cần thiết.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lương Huy Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH LawKey (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết việc cá nhân, tổ chức không đăng ký đất đai theo quy định có thể gây ra nhiều hệ luỵ. 

Thứ nhất, khó xác định được ai là người có quyền sử dụng đất, ai là người chủ tài sản sở hữu, chủ sở hữu tài sản gắn liền với mảnh đất đó và hiện trạng, ranh giới, giáp ranh… dẫn đến việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn. 

Thứ hai, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu với tổ chức 

Thứ ba, không thực hiện được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê tặng cho…

Thứ tư, không được Nhà nước bồi thường khi thu hồi đất.

dat66-1712811398.jpg
Nếu cá nhân sử dụng đất từ sau ngày 5/01/2020 mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu có thể bị phạt tối đa 10 triệu đồng.

Nói thêm về quy định về mức xử phạt không đăng ký đất đai, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài Nguyên và Môi trường Bộ TN&MT cho biết, ngay từ Luật Đất đai 2014 đã quy định việc đăng ký đất đai là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất. 

Tuy nhiên, người dân cho rằng họ đã ở ổn định lâu dài trên thửa đất của mình nên không thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai. Việc này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Chính vì vậy việc, yêu cầu người dân bắt buộc phải thực hiện việc này trong thời gian tới cùng với quy định xử phạt với mục đích để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. 

Mặt khác, quy định này nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai được thực hiện tốt hơn. Đồng thời, trong quá trình áp dụng xử phạt phải xác định rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước người dân hay chủ đầu tư để có chế tài áp dụng phù hợp trong điều kiện thực tế.