Người dân mong mỏi có giải pháp để giao dịch vàng thuận lợi hơn

Trong bối cảnh gần như không thể mua được vàng miếng khi liên tiếp đăng ký không thành công, nhiều người dân đã đặt câu hỏi với cơ quan chức năng về việc có giải pháp nào để giao dịch vàng trở nên thuận lợi hơn?

Mới đây, bà Trần Nhi (Hà Nội) cho biết, kể từ khi bốn ngân hàng cùng Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ cho phép mua vàng miếng qua đăng ký trực tuyến, người dân gặp khó khăn trong việc hoàn tất đăng ký, mặc dù đã "canh" đúng giờ.

Người dân “khổ sở” với vàng

Cư dân này đặt câu hỏi liệu các cơ quan chức năng có giải pháp nào giúp người dân dễ dàng tiếp cận việc mua vàng miếng từ nguồn chính thức hay không. Nếu không, người dân sẽ buộc phải mua vàng qua các kênh không chính thống, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí không cần thiết.

Mới đây, trong bối cảnh người dân gặp khó khăn khi mua vàng, BIDV vừa thông báo triển khai thêm 6 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, theo ý kiến của người tiêu dùng, việc săn được “slot” mua vàng tại các ngân hàng vẫn rất khó khăn.

Tương tự, chị Lê Minh Anh (Hà Nội) chia sẻ, đã nhiều lần đăng ký trên ứng dụng của ngân hàng để mua vàng, nhưng đều nhận được thông báo hết vàng chỉ trong vài phút sau khi mở cửa. Thậm chí, có ngày đã hoàn thành gần bước cuối cùng thì nhận thông báo lỗi.

Vì cần gấp để trả nợ, nên chị Minh Anh buộc phải mua vàng trên thị trường tự do với mức giá 85,3 triệu đồng/lượng, tương đương cao hơn giá niêm yết cuối tuần qua 1 triệu đồng/lượng. Khó khăn trong việc mua vàng đã tạo điều kiện cho các hội nhóm mua bán vàng miếng, vàng nhẫn trên “chợ mạng” sôi nổi trở lại.

vang-mieng-1728899818.png
Kể từ khi bốn ngân hàng cùng Công ty SJC chỉ cho phép mua vàng miếng qua đăng ký trực tuyến, người dân gặp khó khăn trong việc hoàn tất đăng ký, mặc dù đã "canh" đúng giờ

Giá vàng nhẫn và vàng miếng thường được rao bán cao hơn giá của các ngân hàng thương mại nhà nước từ 600.000 đến 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hầu hết người bán yêu cầu người mua phải có hóa đơn. Ngoài ra, nhiều người cũng rao bán các slot đặt mua vàng hàng ngày.

So với việc mua vàng, việc bán vàng trở nên dễ dàng hơn đối với các thương hiệu lớn. Các cửa hàng như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu… đều chấp nhận mua lại vàng miếng và vàng nhẫn SJC ngay cả khi không có hóa đơn, nhưng yêu cầu phải kiểm định chất lượng vàng trước.

Tuy nhiên, đối với vàng không có thương hiệu và vàng nữ trang, việc bán lại gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gần đây bà mang một chiếc lắc vàng có tuổi đời 30 năm đi bán tại một cửa hàng vàng trên đường Trần Nhân Tông, nhưng bị từ chối vì không có hóa đơn.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM cho biết, trong thời gian dài, các tiệm kinh doanh vàng thường mua vàng trôi nổi để làm nguyên liệu. Nhưng theo quy định hiện nay, vàng không có nguồn gốc rõ ràng dễ bị coi là “vàng lậu”, nên các cửa hàng vàng thường yêu cầu người bán phải có hóa đơn mới dám mua.

Cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra

Trong phản hồi về trường hợp của bà Trần Nhi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức liên quan thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng của SJC, tăng cường kiểm tra và giám sát quy trình bán vàng tại các điểm bán, đảm bảo tuân thủ pháp luật, phòng chống rửa tiền và đạt được hiệu quả bán hàng đúng mục tiêu.

Do đó, đối với những khách hàng có thắc mắc về phương thức mua vàng miếng của SJC, NHNN khuyến nghị liên hệ trực tiếp với Công ty SJC qua các kênh thông tin điện tử hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của họ để được giải đáp.

Ngoài ra, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát chênh lệch giá vàng; thanh, kiểm tra thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý phân phối vàng. Đồng thời, hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý sản xuất vàng miếng, nhằm hoàn thiện khung pháp lý và đảm bảo quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế.

mua-vang-1728899932.png
Thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và chưa được thông suốt hoàn toàn

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho biết các biện pháp quản lý thị trường vàng mà NHNN cùng các bộ, ngành đã triển khai trong thời gian qua đã đem lại một số hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn và chưa được thông suốt hoàn toàn.

Đáng chú ý, việc đóng băng thị trường vàng dẫn đến tình trạng hai giá vàng hiện nay. Nếu tình trạng này kéo dài, nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra những rủi ro cho thị trường. Khi giá vàng tăng mạnh và giá vàng chợ đen vượt quá mức niêm yết (trên thực tế đã từng cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng tại SJC), điều này có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Vì vậy, vẫn cần các giải pháp dài hạn để ổn định thị trường vàng.

Đồng tình, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, mặc dù vàng miếng SJC là một thương hiệu quốc gia, nhưng hiện nay đang gặp khó khăn trong việc mua bán, điều này có thể làm giảm sự tin tưởng của người dân vào loại vàng này.

Việc mua bán không chính thức trên thị trường vàng hiện tại dẫn đến sự méo mó và thiếu uy tín của sản phẩm.  Thêm vào đó, khi người dân không thể giao dịch vàng qua các kênh chính thức, họ sẽ chuyển sang các giao dịch trong các hội nhóm hoặc trực tuyến. Do vậy, cần có những giải pháp thích hợp để kiểm soát thị trường tự do, nhằm tránh tình trạng mất kiểm soát khi thị trường này phát triển mạnh mẽ.