Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 329ha, kéo dài qua địa phận 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Long Biên. Gần 1 tháng nay, nước sông Hồng dâng cao khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại đây bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Người dân thay vì di chuyển bằng xe máy, xe đạp thì nay phải đi làm, đi học bằng thuyền.
Một đoạn ngõ 76 phường An Dương (quận Tây Hồ) trong tình trạng ngập sâu 2m - 3m khiến khoảng 100 hộ dân bị ngăn cách. Muốn di chuyển qua lại, người dân phải thuê thuyền chở.
Từ khi nước dâng ngập đường, cứ 5h sáng mỗi ngày, ông Toàn - một người dân sinh sống tại đây lại cho thuyền đỗ tại khu vực cuối ngõ 76 để chở những người có nhu cầu đi lại. Giá mỗi lượt đi thuyền là 10.000 đồng/người. Ông Toàn cho biết, ở đây có 2 chiếc thuyền của phục vụ người dân việc đi lại. Chiếc thuyền của ông được lấy từ tận chùa Hương về.
Anh Lê Văn Hưng (32 tuổi, quận Tây Hồ) chia sẻ, sinh hoạt trong hoàn cảnh này rất bất tiện. Hiện nước đã rút bớt rồi, nhưng dân ở đây vẫn phải đi lại bằng thuyền. Ngoài ra, nước ngập còn cuốn theo cả rác, rất bẩn lắm.
Anh Lưu Đức Mạnh kinh doanh nhà hàng, quán cà phê tại bãi đá sông Hồng (quận Tây Hồ) cho biết, nước ngập gần cả tháng nay khiến việc làm ăn của anh bị đình trệ. Ngoài thiệt hại này, bàn ghế, đồ đạc khác cũng bị trôi mất nhiều. Tổng thiệt hại thì chắc phải đợi nước rút mới tính toán được. Hiện, anh tranh thủ nước rút đến đâu thì cùng nhân viên dọn rửa bùn đất đến đấy để chuẩn bị kinh doanh lại.
Trong khi đó, một người dân sống tại đây bộc bạch, đây không phải lần đầu họ chịu cảnh sống trên nước. Dù vậy, sự chật vật và bất tiện thì vẫn không khác với lần đầu. Người này cho biết, rút kinh nghiệm sau những lần bị ngập, gia đình đã chuyển hết đồ đạc có giá trị lên vị trí cao, an toàn, nhờ vậy mà lần ngập này chỉ bị thiệt hại nhỏ.
Nước dâng cao cũng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong các nhà nổi của xóm thuyền bè tại bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận phường Ngọc Thụy. Những nhà nổi này phải thay đổi vị trí, di chuyển sát bờ khi Không gian sinh hoạt thường ngày chìm sâu trong nước.
Ông Thành đã sống trên bè nổi tại bãi giữa này gần 20 năm. Ông cho biết, bản thân đã quen với cảnh sống này và cảm thấy bình thản khi dòng nước lên. Tuy nhiên, nhiều người trẻ than phiền nước dâng khiến sinh hoạt vô cùng bất tiện.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này, thứ nhất là do những cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài thời gian qua. Lượng mưa đặc biệt lớn vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng không chỉ tại Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc khác.
Thứ 2, cũng là nguyên do chủ yếu nhất, đó là 4 hồ thủy điện lớn (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và Sơn La) trên hệ thống sông Hồng cùng vận hành xả lũ. Như thủy điện Hòa Bình đã 2 lần mở cửa xả, mỗi lần cách nhau chỉ 14 ngày. Lần gần đây nhất thủy điện này xả lũ là vào ngày 6/8.
Dự kiến, phải mất thêm khoảng 1 tháng nữa thì nước lũ mới có thể rút hết. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Hà Nội khả năng có nắng gián đoạn về trưa và chiều, còn mưa thường xảy ra vào chiều tối và đêm.